TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bình Định làm thế nào để từng bước "khai tử" các lò mổ thủ công?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 06/06/2023 09:49 AM (GMT+7)
Việc xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở các địa phương vẫn gặp khó khăn.
Bình luận 0

TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đạt được nhiều bước tiến trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, từng bước khai tử các lò mổ thủ công. Theo báo cáo của Sở NNPTNT thành phố, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện còn 7 cơ sở giết mổ (trong đó có 05 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp và 01 cơ sở giết mổ tại huyện Cần Giờ phục vụ người dân trong khu vực, 01 trung tâm giết mổ gia cầm) thực hiện đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật. Lượng gia súc, gia cầm giết mổ bình quân hàng đêm hiện nay là 5.500 - 6.000 con heo, 74.000 - 75.000 con gà.

Để đạt được thành công này, chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh đã có chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp. Đồng thời, để hỗ trợ cho doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý xây dựng các nhà máy giết mổ, thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ thực hiện thủ tục xây dựng nhà máy giết mổ. 

Thành phố đã ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm thúc đẩy, làm cơ sở cho các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện, hướng tới việc ngưng hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn, tạo điều kiện cho các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đưa vào hoạt động

Tuy vậy, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế, vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80 - 100% theo định hướng.

TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bình Định làm thế nào để từng bước "khai tử" các lò mổ thủ công? - Ảnh 1.

Kiểm tra thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: D.V

"Để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc một cách tích cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cục Thú y tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực kiểm soát nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho cán bộ cơ sở".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng và triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Trong đó, 03 cơ sở quy mô cơ giới, công suất thiết kế 550 con heo, 2.000 con gia cầm/ngày; 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung quy mô 500 con heo, 1.000 con gia cầm và 30 con bò tại tại xã Nhơn An, thị xã An Nhơn đã hoàn thành các hạng mục đầu tư, lắp đặt và công tác di dời các hộ nhỏ lẻ. 

Tại huyện Phù Cát, Công ty TNHH San Hà đã xây dựng dự án Trung tâm giết mổ và chế biến thực phẩm San Hà, công suất giết mổ 40.000 con gia cầm/ngày; 500 con gia súc/ngày; 10 tấn sản phẩm chế biến/ngày.

Từ khá sớm (khoảng năm 1997 – 2000), Long An đã bắt đầu thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ tập trung thông qua việc thực hiện theo quy hoạch của UBND tỉnh; từ đó các cơ sở giết mổ tập trung đã được hình thành; nhờ đó, công tác quản lý hoạt động giết mổ đến nay tương đối khá thuận lợi. 

Báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Long An cho thấy, hiện tại, trên 95% gia súc, 90% gia cầm giết mổ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát giết mổ; qua đó cơ bản kiểm soát được việc cung cấp sản phẩm động vật đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Số lượng kiểm soát giết mổ năm 2022 là 1,4 triệu con heo, hơn 104.000 con trâu bò, 5.000 con dê, 30 triệu con gia cầm; 5 tháng đầu năm 2023 là 684.000 con heo, hơn 35.000 con trâu bò và hơn 11 triệu con gia cầm; trong đó khoảng 80% sản phẩm sau giết mổ đưa về TP. HCM tiêu thụ.

Gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển các cơ sở giết mổ tập trung nhưng đến nay Hà Tĩnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng được 32 cơ sở giết mổ tập trung. Nhìn chung các cơ sở giết mổ hoạt động tương đối hiệu quả; đáp ứng phục vụ nhu cầu giết mổ của người hành nghề trên địa bàn góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường. 

Ý thức về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh giết mổ của người hành nghề giết mổ được nâng lên, việc giết mổ nhỏ lẻ trong hộ gia đình giảm hẳn. Hiện nay khoảng trên 80% số lượng sản phẩm thịt gia súc bán và tiêu thụ trên địa bàn được giết mổ tại các cơ sở giết mổ có kiểm soát thú y.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến tháng 5/2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tất cả các cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm, đều được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.

Các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp chủ yếu là các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn, giết mổ trên dây chuyền công nghiệp; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện cả nước còn 45 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch thiết lập mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y và Luật Quy hoạch (sửa đổi một số điều về quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ động vật).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem