Mạnh tay đầu tư
Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trước khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa xã chưa đạt chuẩn, xuống cấp trầm trọng. Đến nay, toàn huyện đã có 6/6 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 22/28 văn phòng UBND ấp được đầu tư xây dựng.
Ngày hội văn hóa các xã nông thôn mới ở TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng
Hiện, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn huyện được tổ chức thường xuyên phục vụ nhân dân, với các chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức triển lãm hình ảnh về xã NTM, thành tựu kinh tế - xã hội và chuyên đề về biển đảo; tổ chức chương trình văn nghệ vận động gây Quỹ Vì người nghèo; tổ chức giao lưu liên hoan “Tiếng hát chung một dòng sông Lòng Tàu”; tổ chức chương trình Tiếng hát nông thôn mới tại các xã NTM.
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, thời gian qua, huyện đã đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt văn hóa như các câu lạc bộ - đội nhóm với nhiều lĩnh vực hoạt động như: Câu lạc bộ sáng tác, đờn ca tài tử, dưỡng sinh, đàn ghita, hoa lan cây kiểng...; các đội võ thuật, văn nghệ, ca múa thiếu nhi, bóng chuyền... Hoạt động văn hóa đều khá mạnh, các xã đều có các câu lạc bộ: Đờn ca tài tử, ông bà cháu, gia đình hạnh phúc, dưỡng sinh... đội bóng chuyền, bóng đá.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Củ Chi có 10 xã đạt chuẩn văn hóa NTM nâng cao, có 168/178 ấp đạt chuẩn văn hóa (đạt hơn 94%), tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa hơn 95%.
Hiện, trên địa bàn huyện hiện có 1 trung tâm văn hóa huyện, 1 nhà văn hóa lao động, 3 nhà văn hóa thể thao cụm, 2 khu văn hóa thể thao xã, đồng thời, có 166/170 văn phòng ấp đạt chuẩn, có 16 xã có phòng truyền thống, 166/170 ấp đã xây dựng góc truyền thống.
Ngoài ra, huyện có một số khu du lịch sinh thái (Nông trang xanh, Green Park, Fosaco, Hải Thanh...); 2 khu di tích lịch sử (Địa đạo Bến Dược và Bến Đình); 4 di tích cấp thành phố (đình Tân Thông, đình Cây Sộp, đình Xóm Huế và chùa Linh Sơn); 183 cơ sở thể dục thể thao, bao gồm sân bóng đá mini, bóng bàn, bóng chuyền, thể dục thể hình, hồ bơi, cầu lông...; 50 khu vui chơi giải trí cho trẻ em; 230 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời được lắp đặt phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể thao của người dân…
“Nở rộ” nhiều mô hình văn hóa
Ông Nguyễn Minh Thanh (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết, thời gian qua, hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện khá đa dạng. “Về chất lượng, hiệu quả phục vụ của các thiết chế văn hóa, nhìn chung diễn ra khá mạnh. Tuy nhiên, ở các văn phòng ấp chủ yếu mang tính chất hội họp của các đoàn thể” - ông chia sẻ.
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, từ khi thực hiện chương trình đến nay, thành phố đã đầu tư 451 công trình cơ sở vật chất văn hóa ở khu vực nông thôn.
|
Ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh Văn phòng NTM thành phố cho biết, trước khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, địa bàn 5 huyện chỉ có 13 nhà văn hóa, trung tâm văn hóa xã, trung tâm văn hóa - thể thao xã; chưa được bố trí nhân sự, kinh phí hoạt động và cũng chưa được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đúng mức.
“Việc thành phố đầu tư các công trình cơ sở vật chất văn hóa (văn phòng - tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao) và các thiết chế văn hóa đã góp phần phục vụ hoạt động điều hành xây dựng đời sống văn hóa, hội họp, sinh hoạt của nhân dân; lồng ghép, hỗ trợ vào công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước” - ông Dân đánh giá.
Cũng theo ông Dân, trong quá trình triển khai các hoạt động văn hóa - xã hội, văn nghệ, thể dục thể thao, địa bàn nông thôn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình văn hóa như: Gia đình văn hóa hiếu học liên thế hệ, gia đình văn hóa nông dân sản xuất giỏi làm công tác từ thiện xã hội, ấp văn hóa nghĩa tình, văn minh, tiến bộ, vận động nông dân hiến đất làm đường…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.