TP.Thuận An chuyển mình theo làn sóng văn minh thứ ba, tiến lên đô thị hậu công nghiệp

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 01/12/2022 10:49 AM (GMT+7)
Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ TP.Thuận An trong thời gian tới là xây dựng đô thị Thuận An phát triển phải có bước đột phá, theo hướng Nhanh - Bền Vững - Văn Minh - Giàu Đẹp.
Bình luận 0

TP.Thuận An thay đổi từng ngày

TP.Thuận An là địa phương phát triển công nghiệp sớm nhất tỉnh Bình Dương. Đây cũng là địa phương có rất nhiều doanh nghiệp nằm đan xen trong khu dân cư.

Thực hiện chủ trương di dời các doanh nghiệp này vào các khu, cụm công nghiệp, chỉ 6 năm trở lại đây, diện mạo đô thị của TP.Thuận An đã thay đổi nhanh chóng.

Những nhà máy, xí nghiệp trước đây nằm ven Quốc lộ 13, nay đã thay bằng các bệnh viện, trung tâm thương mại lớn, như siêu thị Lotte Mart, siêu thị Aeon Mall, Bệnh viện quốc tế Becamex.

Bệnh viện quốc tế Becamex ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Bệnh viện quốc tế Becamex ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Các khu dân cư cao tầng đang dần mọc lên trên nền những nhà xưởng được di dời. Những người đi xa có dịp quay lại Thuận An cũng hết sức bỡ ngỡ bởi sự thay đổi quá nhanh của bộ mặt đô thị nơi đây.

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương - Bí thư Thành ủy TP.Thuận An kể lại, cách đây gần 20 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận An đã có ý tưởng xây dựng địa phương trở thành đô thị. Đề án nâng cấp thị xã Thuận An trở thành đô thị loại IV ra đời từ ý tưởng đó.

Suốt những năm sau đó, Thuận An đã kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, từ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, từng bước thực hiện đô thị hóa cho đến việc xây dựng chính quyền đô thị.

Kết quả, là thị xã Thuận An đã chính thức trở thành đô thị loại IV năm 2010, được nâng lên thị xã vào năm 2011; đạt các tiêu chí đô thị loại III và được Uỷ Ban thường vụ Quốc hội công nhận lên Thành phố từ tháng 2/2020.

Người dân mua sắm ở siêu thị Aeon Mall, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân mua sắm ở siêu thị Aeon Mall, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

TP.Thuận An tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế gắn với việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa.

"Tất cả nhằm tạo sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các nhu cầu xã hội, làm thay đổi nhanh diện mạo của thành phố", bà Phương nói.

TP.Thuận An định hình diện mạo mới

Theo Ông Mai Thế Trung - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, hơn 20 năm qua, ở Bình Dương diễn ra 2 quá trình đô thị hóa khác nhau.

Ở các vùng tập trung các khu, cụm công nghiệp; đô thị hóa đi theo hình mẫu của văn minh công nghiệp, tạo thành những đô thị với nhiều nhà máy xí nghiệp, và đông đảo công nhân.

Không gian đô thị nơi đây luôn mở rộng nhưng lại luôn chất hẹp. Đó là một đô thị ồn ào, náo nhiệt, cuộc sống luôn: tạm, nhanh, gấp, phân hóa cực độ và kéo theo sự xuống cấp của môi trường tự nhiên, xã hội.

Còn đô thị hóa ở một số vùng khác, nhất là vùng ven sông Sài Gòn thuộc TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, đã và tiếp tục tạo ra những đô thị hình thành từ văn minh hậu công nghiệp, thuộc làn sóng thứ ba.

Hình mẫu của nó là những đô thị quy mô trung bình, gắn liền với sinh thái, không có công nghiệp tập trung, hạ tầng hoàn thiện theo hướng mở và gắn với công nghệ mới. Loại đô thị này ngày càng hoàn thiện các thiết chế theo hướng trở thành các đô thị vườn, đô thị sinh thái thông minh.

Khu công nghiệp VSIP 1, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Khu công nghiệp VSIP 1, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Toàn tỉnh Bình Dương đang phát triển đô thị theo Đề án xây dựng thành phố thông minh, một dạng đô thị tiêu biểu của làn sóng văn minh thứ ba: Đô thị hậu công nghiệp.

Ông Trung nhấn mạnh, đô thị hậu công nghiệp đòi hỏi phải xây dựng cho được các thiết chế kinh tế, xã hội đô thị và con người đô thị là tầng lớp thị dân văn minh hiện đại. Các thành phố phía Nam Bình Dương phải tích cực triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, TP.Thuận An có một nguồn tài nguyên vô giá là 15km đường dọc sông Sài Gòn. Trước đây tuyến đường chỉ được quy hoạch là đường đê bao ven sông. Sắp tới, Thành phố sẽ tích hợp quy hoạch tuyến đường này vào quy hoạch chung toàn tỉnh để phát triển không gian đô thị.

Trước mắt, TP.Thuận An đang tiếp tục thực hiện chủ trương di dời, phát triển công nghiệp lên phía Bắc. Thuận An cũng đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để hoàn thiện đại dự án BOT nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13.

TP.Thuận An quy hoạch không gian mới phát triển đô thị, dịch vụ. Ảnh: Trần Khánh

TP.Thuận An quy hoạch không gian mới phát triển đô thị, dịch vụ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thuận An đặt mục tiêu trở thành đô thị dịch vụ của tỉnh Bình Dương. Vì vậy, di dời các doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư cần phải được thực hiện khẩn trương để đảm bảo việc quy hoạch và phát triển thành phố đến năm 2030.

Đông thời, TP.Thuận An đã và đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư đến địa bàn đầu tư ven trục Quốc lộ 13. "Thành phố tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực dịch vụ cao cấp, chất lượng cao và phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho nhân dân và người lao động trên địa bàn", ông Tâm nói.

TP.Thuận An tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết phát triển đô thị

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua, TP.Thuận An là tâm dịch của tỉnh, chịu ảnh hưởng nặng nề trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Vô vàn khó khăn, thách thức đặt ra với thành phố.

Với tinh thần "tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất"; một lần nữa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy.

TP.Thuận An đang tập trung cải tạo hệ thống kênh tiêu thoát nước đô thị. Ảnh: Nguyên Vỹ

TP.Thuận An đang tập trung cải tạo hệ thống kênh tiêu thoát nước đô thị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

Theo bà Phương, tinh thần đoàn kết đó sẽ tiếp tục phát huy. TP.Thuận An sẽ vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới vào thực tiễn địa phương; tận dụng, khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng và các nguồn lực của địa phương.

Cụ thể, TP.Thuận An sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng, tạo nền tảng để năm 2025 được công nhận đô thị loại 2, đến năm 2030 đạt các tiêu chí đô thị loại 1 và trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của tỉnh.

Trong năm 2022, TP.Thuận An thành lập và đưa vào vận hành trung tâm điều hành thành phố thông minh (IOC), đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, thiết bị và đẩy mạnh công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong năm 2022, TP.Thuận An thành lập và đưa vào vận hành trung tâm điều hành thành phố thông minh (IOC), đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, thiết bị và đẩy mạnh công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong năm 2022, TP.Thuận An đã đưa vào vận hành trung tâm điều hành thành phố thông minh (IOC), đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, thiết bị và đẩy mạnh công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính.

"Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thuận An trong thời gian tới là xây dựng đô thị Thuận An phát triển phải có bước đột phá, theo hướng Nhanh - Bền Vững - Văn Minh - Giàu Đẹp"

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương - Bí thư Thành ủy TP.Thuận An

Thuận An tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm cơ sở, động lực để tăng trưởng kinh tế.

Trong nhiệm kỳ tới, xã An Sơn lên phường. Tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố sẽ 100%. Thuận An duy trì và nâng cao tiêu chí các phường đã đạt văn minh đô thị, xây dựng phường văn minh đô thị các phường còn lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem