Ngư dân Lin Guanyong: Chúng tôi được trả tiền để ra Trường Sa đánh bắt
Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times, ngư dân Trung Quốc, Lin Guanyong nói rằng anh ta đang làm một công việc nguy hiểm đó là hoạt động trên Biển Đông. Nguy hiểm không chỉ đến từ thời tiết, Lin đã từng bị Việt Nam bắt giữ năm 2011, sau khi anh cùng 20 thuyền viên khác bị buộc tội đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam.
Tuần trước, Việt Nam đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam. Chủ tàu Trung Quốc khai báo họ đang chở nhiên liệu cho các thuyền đánh cá.
Đụng độ giữa cảnh sát biển và ngư dân các nước đã tràn ngập trên các trang báo tin tức nước ngoài. Lin thừa nhận mình xâm phạm vùng biển của quốc gia khác. Nhưng anh ta nói ngư dân nước khác cũng vào đánh bắt ở vùng biển của Trung Quốc.
Tàu cá ra khơi từ cảng ở Hải Nam. Làng chài Tanmen, thuộc tỉnh Hải Nam là một trong những nơi quan trọng nhất về mặt chính trị
Báo The Straits Times đưa tin: Trong khi ngư dân của Trung Quốc đến từ nhiều tỉnh ven biển như Chiết Giang, Quảng Đông và Quảng Tây, thì những người từ làng chài Tanmen, thuộc tỉnh Hải Nam là một trong những nơi quan trọng nhất về mặt chính trị, vì người dân ở đây thường xuyên đánh bắt gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một số ngư dân Tanmen đang tích cực tham gia vào cuộc tranh chấp lãnh thổ. Khoảng 2 năm trước, khi Việt Nam lên án Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì Trung Quốc liên tục khuyến khích tàu đánh cá của họ vào khu vực này.
Ngư dân Shi Yingbo đã đánh bắt ở Trường Sa, Việt Nam nhiều năm nay
Trong nhiều năm qua, các ngư dân Tanmen đã liên tục hiện diện ở Trường Sa, Việt Nam. Lin cũng là một trong số những người như vậy, bắt đầu từ năm 2012.
"Chính phủ đã trả 180.000 nhân dân tệ (27.000 USD) cho chủ tàu để đi đến quần đảo Trường Sa", Lin nói. "Chúng tôi đã đến đó 2 tuần. Họ không quan tâm chúng tôi có đánh bắt hay không, họ chỉ muốn chúng tôi có mặt ở đó."
Nhưng ngư dân nói rằng họ cần phải đi xa hơn vì nguồn cá gần bờ đang cạn kiệt để đáp ứng nhu cầu thủy sản lớn của người dân. Lin nói với tờ The Straits Times họ tiến ra Biển Đông để đánh bắt những loài cá hiếm, có giá tăng gấp đôi từ 30 lên 60 nhân dân tệ/kg trong 5 năm qua.
Nghề cá đang ngày càng gặp nhiều khó khăn, ngư dân Tanmen vẫn còn phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ
Ngư dân Tanmen được chính quyền nói rằng việc có mặt ở những khu vực như Trường Sa là quan trọng. Tuy nhiên, cuối cùng, họ vẫn quan tâm nhất về sinh kế của mình. Họ không chỉ đơn thuần là diễn viên thụ động theo lệnh của chính phủ, ông Zhang từ RSIS tại Singapore nói.
"Các ngư dân không muốn xung đột tại Biển Đông. Xung đột sẽ khiến họ không còn được đánh cá và cuộc sống sẽ bị đe dọa".
Thực tế, việc đánh bắt cá đang ngày càng gặp nhiều khó khăn khi sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc đang đặt ra một sức ép về giá cả thị trường. Việc thực thi chặt chẽ các lệnh cấm vào nhiều mặt hàng hải sản càng đặt thêm gánh nặng cho ngư dân.
Ông nói thêm đây là lý do tại sao ngư dân Tanmen vẫn còn phụ thuộc vào trợ cấp nhiên liệu từ chính phủ.
"Tôi ít học, đó là lý do tại sao tôi lại đánh bắt thủy sản", Lin, cha của 3 đứa trẻ nói. "Tôi sẽ tiếp tục làm nghề này trong 10-20 năm tới, nhưng tôi hy vọng các con của tôi sẽ không theo nghề cha. "
Vui lòng nhập nội dung bình luận.