TQ tính xây nhà máy hạt nhân bé nhất thế giới ở Biển Đông

Quang Minh - SCMP Thứ ba, ngày 11/10/2016 13:25 PM (GMT+7)
Nếu một trong những nhà máy này gặp vấn đề thì chất phóng xạ sẽ không chỉ tác động các nước xung quanh mà còn khiến cả thế giới gặp nguy hiểm khi dòng biển đẩy phóng xạ phát tán.
Bình luận 0

img

Nhà máy điện hạt nhân bé nhất thế giới để vừa trong một container chở hàng.

Một viện nghiên cứu hàng đầu ở Trung Quốc đang phát triển nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới có thể “nhét” vừa trong một container và lắp đặt trên một đảo nhân tạo bồi lấp trái phép ở Biển Đông trong vòng 5 năm tới.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đang rốt ráo thử nghiệm nhà máy điện hạt nhân này. Lò phản ứng được làm mát bằng chì sẽ được đặt trong một container chở hàng dài chừng 6,1m, cao 2,6m và tạo ra 10 megawatt nhiệt năng. Nếu quy đổi thành điện, số nhiệt năng này có thể cung cấp cho 5 vạn hộ gia đình.

Dự kiến, nhà máy điện nhỏ nhất thế giới sẽ chạy liên tục nhiều năm mà không cần nạp nhiên liệu. Nhóm khoa học cho biết nhà máy không sản sinh ra khói bụi và thậm chí cư dân sẽ không nhận ra sự hiện diện của nó.

Dự án được tài trợ một phần bởi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Công trình nghiên cứu đang được thực hiện ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy và ra mắt trong 5 năm tới.

Nhóm nghiên cứu dự tính bán nhà máy điện hạt nhân cho những thị trường dọc Con đường Tơ lụa năm xưa từ châu Á, châu Âu tới Trung Đông. “Một phần nguồn tài trợ là từ quân đội nhưng chúng tôi hy vọng nhà máy điện hạt nhân sẽ có ích cho dân sự”, giáo sư Huang Qunying, chuyên gia hạt nhân phụ trách dự án, nói.

Các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận công nghệ này tương tự lò phản ứng nhiệt điện làm mát bằng chì di động được Liên Xô sử dụng trên tàu ngầm thập kỷ 70. Trung Quốc được cho là quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ quân sự  này trên đất liền.

Những lò phản ứng “tí hon” sẽ sản xuất ra lượng điện khổng lồ đồng thời tạo ra nước sạch từ nước biển. Tuy vậy cũng xuất hiện nhiều quan ngại liên quan tới các hiểm họa môi trường của nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới.

img

Dự kiến 5 năm tới nhà máy này sẽ được thử nghiệm xong.

Nếu một trong những nhà máy này gặp vấn đề thì chất phóng xạ sẽ không chỉ tác động các nước xung quanh mà còn khiến toàn bộ thế giới lâm nguy khi dòng biển đẩy phóng xạ phát tán.

Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc được gọi là “lò phản ứng nhanh” sử dụng neutron tốc độ cao để tách các phân tử năng lượng. Lò phản ứng nhanh có nhiều ưu điểm so với loại thông thường với điện năng nhiều hơn và giảm chất thải phóng xạ.

Ngoài ra, hệ thống làm mát bằng chì sẽ không bị nóng chảy nếu chưa vượt quá 1.400 độ C khiến lò phản ứng nhanh an toàn hơn loại bình thường hiện nay.

Tuy nhiên, giáo sư Huang nhận định sẽ còn nhiều thách thức để thuyết phục người dân rằng nhà máy điện hạt nhân là an toàn. Sự thiếu hiểu biết của người dân có thể cản trở việc lắp đặt nhà máy điện này.

Một nhà nghiên cứu môi trường biển ở Đại học Hải dương Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông cảnh báo lượng nước nhiễm phóng xạ thải vào đại dương sẽ gây nguy hại cho môi trường sinh thái của toàn bộ khu vực đảo lân cận.

“Nhiều cá tôm, sinh vật biển sẽ không thể đối chọi với tác động môi trường đột ngột gây ra bởi lượng muối suy giảm và nhiệt độ nước biển tăng cao quanh khu vực đặt nhà máy điện”, nhà khoa học giấu tên nói.

“Nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở Biển Đông, nó sẽ chưa gây ra tác động ngay lập tức cho người dân vì khoảng cách xa xôi. Tuy nhiên, khi chất phóng xạ ngấm vào cá và con người ăn những thực phẩm này, hậu quả sẽ là rất khủng khiếp”.

img

Nơi thí nghiệm nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.

Trước khi lắp đặt trái phép bất kì nhà máy điện hạt nhân nào ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không đơn giản cân nhắc thiệt hơn về chính trị, quân sự, kinh tế mà còn cả đánh giá tác động môi trường lên hệ sinh thái biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem