Trà đá đêm mùa Worldcup

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 02/07/2014 20:40 PM (GMT+7)
“Nào tôi có biết World Cup là cái gì nhưng cứ đến tối, mấy quán cà phê lại đông nghịt khách, nhiều người mua bánh bao ăn thêm. Nhờ thế, phận bán hàng rong như chúng tôi cũng kiếm được đồng ra đồng vào” - chị Lan (37 tuổi, quê Nghệ An) cười giòn tan tâm sự…
Bình luận 0

Hai năm trước, chị Lan rời vùng đất nắng gió khắc nghiệt Nghệ An ra Hà Nội làm thuê. Ngày đi bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân, từ đợt World Cup khởi tranh đến nay, tối về chị lại đi bán thêm bánh bao kiếm thêm thu nhập.

“Khi không có World Cup, mỗi tối chỉ bán được 20 chiếc, nhưng từ hôm diễn ra ngày hội bóng đá thế giới ở tận Brazil xa xôi, tôi cũng được “ăn theo”. Khoảng nửa tháng qua, đêm nào tôi cũng bán được gần như gấp đôi” - chị Lan hồ hởi chia sẻ.

Ngày nào cũng vậy, cứ đến 21 giờ, chị Lan lại rong ruổi từ Nhổn lên Cầu Giấy, ra Tô Hiệu, lên đường Láng rồi lại vòng về Mỹ Đình bán bánh. Hôm nào bán nhanh thì tới khoảng 0 giờ - 1 giờ sáng là hết khoảng 40 chiếc. Nhưng có hôm cũng phải bán tới gần sáng mới hết hàng. Một chiếc bánh bao nhập vào 4.000 đồng, sau khi hấp xong chị bán với giá 9.000 đồng. Tính ra mỗi tối cũng lãi được gần 200.000 đồng: “Giá như năm nào cũng có World Cup thì những người bán bánh bao dạo như chúng tôi được nhờ quá” - chị Lan nói vui.

Không riêng gì đội ngũ bán hàng rong, một loạt các quán cà phê, trà đá vỉa hè Xuân La, Nghĩa Tân, Ngã Tư Sở vốn hàng ngày đã nhiều, nay lại mọc lên thêm kể từ ngày World Cup khởi tranh. Tối 30.6, quán trà đá vỉa hè của Tô Thị Linh (ngõ 32, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) có hơn 30 người đang dõi theo từng pha bóng bất chấp cơn mưa rào đang ào ào đổ tới. Theo chị Linh, do không mất tiền thuê mặt bằng, chỉ phải thuê máy chiếu, mua bàn ghế nhựa nên chỉ sau 2 tuần diễn ra World Cup, chị đã lãi được khoảng 9 triệu đồng.

Tuy kiếm được khá tiền, nhưng bản thân những người mưu sinh về đêm luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Linh và nhóm bạn kinh doanh trà đá vỉa hè không ít lần gặp phải những gã đàn ông háo sắc. Có người còn gạ gẫm cô vào nhà nghỉ. Gạ gẫm không được thì giở trò, may mà có người qua đường lúc đó cứu giúp. “Có nhiều điều phải đối mặt lắm nhưng chẳng lẽ lại bỏ quán. Chí ít, mình cũng sẽ cố gắng duy trì hết mùa World Cup” - cô sinh viên trẻ khẳng định.

Còn chị Lan thì tâm sự: “Nhiều lúc mệt mỏi, phải băng qua những cung đường tối tăm cảm thấy rất sợ hãi nhưng cứ nghĩ cảnh hai đứa con ở nhà không có tiền đóng học, chồng đau ốm không có tiền mua thuốc thì lại có động lực để đi tiếp”.

Không phải phận nữ nhi, nhưng nhiều người đàn ông đi bán hàng khuya cũng luôn phải đối mặt với sự ghen tị, ma cũ bắt nạt ma mới”: “Ngày trước thấy vợ đi đêm hôm bán bánh bao nguy hiểm nên tôi quyết định để cô ấy đi bán báo ban ngày, còn mình thì đi làm thay. Công việc vất vả, may thì kiếm được chút lời, bằng không gặp phải lũ nghiện ngập xin tiền, cướp bóc thì coi như mất sạch”, anh Nguyễn Văn Thanh (37 tuổi, quê Thanh Hóa) bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem