Trả hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, tình huống pháp lý có thể xảy ra?

Đình Việt Thứ sáu, ngày 16/06/2023 15:09 PM (GMT+7)
Các chuyên gia pháp lý đã nêu các tình huống trong vụ việc TAND TP.HCM trả hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra bổ sung.
Bình luận 0

Trả hồ sơ để làm rõ 3 nội dung trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Như Dân Việt đã thông tin, TAND TP.HCM vừa trả hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM để làm rõ 3 nội dung trong vụ án Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm.

Trả hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, liệu có đổi tội danh? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một lần khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để hỗ trợ bếp ăn từ thiện tại bệnh viện. Ảnh: ĐQDV

Thứ nhất, đối với yêu cầu bồi thường của một số cá nhân trong vụ án, hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ chứng cứ. Vì vậy, cần thu thập thêm chứng cứ. Nếu không có chứng cứ bổ sung, tòa án sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ hai, các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tại nhà riêng, và một số địa điểm tại Công ty cổ phần Đại Nam đều có sự xuất hiện của ông Huỳnh Uy Dũng, khi ông Dũng ngồi cùng bà Nguyễn Phương Hằng. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND TP.HCM chưa làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng trong vụ án.

Theo TAND TP.HCM, dù đơn tố cáo của 10 người trong vụ án không đề cập đến ông Huỳnh Uy Dũng nhưng cần phải làm rõ để giải quyết vụ án toàn diện, khách quan.

Thứ 3, theo TAND TP.HCM, ngoài tội danh mà Viện KSND TP.HCM truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, thì căn cứ vào đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Hiển và bà Đặng Thị Hàn Ni, còn có nội dung tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng bịa đặt, thông tin sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân.

Vì vậy, theo TAND TP.HCM, hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác", hoặc "Vu khống" theo Điều 155, Điều 156 Bộ luật hình sự hay không, cũng cần được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND TP.HCM làm rõ.

Các tình huống có thể xảy ra

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính cho biết, việc TAND TP.HCM trả hồ sơ cho Viện KSND TP.HCM đề nghị làm rõ 3 vấn đề như đã nêu là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, là cơ sở để giải quyết vụ án một cách triệt để, khách quan và toàn diện.

Trong 3 vấn đề mà TAND TP.HCM yêu cầu chủ yếu liên quan đến vấn đề xem xét có việc bỏ lọt tội phạm hay không, xem xét thêm tội danh đối với bà Nguyễn Phương Hằng và đánh giá hành vi đồng phạm giúp sức của ông Huỳnh Uy Dũng trong các buổi livetream.

Theo luật sư Khuyên, căn cứ để đưa ra yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của tòa án trường hợp này là quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giai đoạn này còn được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.

Trả hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, liệu có đổi tội danh? - Ảnh 3.

Viện KSDN TP.HCM kết luận, bị can Nguyễn Phương Hằng được một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen về hoạt động thiện nguyện, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự. Ảnh: ĐQĐV

Vì vậy, trường hợp đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với bà Hằng và đồng phạm để làm rõ tội Vu khống hoặc Làm nhục người khác, đây là trường hợp xem xét thêm tội danh.

Cũng bình luận về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đã thể hiện rõ quyền tư pháp của cơ quan xét xử và tính độc lập trong hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp về tính khách quan, toàn diện khi giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong vụ việc này, theo vị luật gia, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm vẫn có thể bị chuyển tội danh sang tội Làm nhục người khác nếu trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra hoặc viện thay đổi quan điểm, và các tài liệu, chứng cứ thể hiện rằng, hành vi của các bị can sát hơn với tội Làm nhục người khác chứ không phải tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như đã truy tố trước đó.

Vì thế, nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố, viện kiểm sát sẽ ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó. Còn trường hợp viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố trước đó, tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Tuy nhiên, theo bà Thơ, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm chỉ có thể bị chuyển tội danh, nếu quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra thay đổi quan điểm và cho rằng, các bị can không có bất kỳ hành vi nào lợi dụng các quyền tự do về báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội, biểu tình và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Họ chỉ dùng lời nói và có cử chỉ khi nói để chia sẻ và bình luận thông tin về bí mật đời tư của một số văn nghệ sỹ và một vài cá nhân khác. Các bị can đã có một số lần sử dụng những lời lẽ, ngôn từ và tỏ thái độ không chuẩn mực, sỉ nhục, thóa mạ những người này nhằm hạ thấp nhân cách, uy tín, danh dự của họ, làm cho họ cảm thấy xấu hổ trước người khác.

Hành vi trên đây là  vi phạm pháp luật hình sự tại Điều 155 Bộ luật hình sư quy định về tội Làm nhục người khác. Việc các bị can sử dụng công nghệ thông tin giống như nhiều người khác hiện nay đang sử dụng Internet để livestream chỉ được coi là cách thức, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi khách quan của các bị can đã xâm hại đến khách thể trực tiếp là nhân phẩm, danh dự con người nằm trong nhóm khách thể loại là xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người thuộc Chương XIV của Bộ luật hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem