Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng NNPTNT khen Masan đầu tư tổ hợp chế biến thịt nghìn tỷ

Thiên Hương Thứ tư, ngày 06/11/2019 16:41 PM (GMT+7)
"Vừa rồi Long An đã thu hút một nhà máy chế biến cây ăn quả, vừa khánh thành năm ngoái tốt lắm; đặc biệt là tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Masan đã chính thức khởi công tổ hợp giết mổ thịt lợn, vốn đầu tư tới 1.300 tỷ đồng, với công suất 1,4 triệu con lợn. Điều đó cho thấy, chúng ta đang tập trung theo hướng tái cơ cấu kể cả vùng nguyên liệu, chế biến và tổ chức thị trường", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay.
Bình luận 0

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) cho biết, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, bà con có phản ánh đã nghe rất nhiều về định hướng trong sản xuất nông nghiệp: là sản xuất thì phải gắn liền với yêu cầu của thị trường, để tránh được được mùa thì mất giá. Tuy nhiên, điều đó nói thì rất dễ, thế nhưng mà rất khó đối với bà con nông dân.

Đai biểu Liên chỉ ra do 4 thiếu chủ yếu: Thứ nhất, thiếu đầu vào trong quá trình sản xuất như là thiếu giống, vật tư có chất lượng; Thứ hai, thiếu hướng dẫn quy trình sản xuất có hiệu quả; Thứ ba, thiếu thông tin đầy đủ về thị trường và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Thứ tư, thiếu các định hướng, điều tiết sản xuất của Bộ NN&PTNT để tránh gây áp lực khi hàng hóa nhiều thì giá lại giảm xuống. Vậy với trách nhiệm của mình Bộ trưởng có giải pháp căn cơ để tháo gỡ 4 cái thiếu chủ yếu nói trên cho bà con nông dân?

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từ xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến đến tổ chức thị trường. Ảnh: Trọng Quỳnh

Trước khi trả lời đại biểu Hoàng Văn Liên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cung cấp một số thông tin.

Một là, Long An là một địa phương thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng rất quyết liệt và có kết quả. Đến bây giờ chúng ta đã có 1 vạn ha chanh, 1 vạn ha trái thơm, 1 vạn ha thanh long. Như vậy, phải khẳng định Long An làm rất quyết liệt để khắc phục tình trạng cứ được mùa, rớt giá và nâng cao chuỗi giá trị. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, đúng là phải có khâu chế biến. Vừa rồi Long An đã thu hút một nhà máy chế biến cây ăn quả, vừa khánh thành năm ngoái tốt lắm, không chỉ thu hút sản phẩm cho Long An mà còn cho các vùng lân cận.

"Cũng thông báo là tháng 8 vừa qua, chính thức có một tổ hợp nữa vừa mới khởi công của Tập đoàn Masan tập trung đầu tư tới 1.300 tỷ đồng, với công suất 1,4 triệu con lợn được giết mổ và chế biến ra khoảng 30 sản phẩm, cố gắng sang năm 2020, chúng ta sẽ khánh thành tổ hợp này. Điều đó cho thấy, chúng ta đang tập trung theo hướng tái cơ cấu kể cả vùng nguyên liệu, kể cả khâu chế biến và khâu tổ chức thị trường ở khu vực này", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

img

Dây chuyền giết mổ lợn theo quy trình thịt mát tại nhà máy của Masan. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng thừa nhận, trên diện rộng, trên tổng thể sản xuất lớn của chúng ta như thế này thì đúng là phải cố gắng lớn, nhưng phải khẳng định không phải chúng ta thiếu vật tư đến mức độ như vậy. Tất cả các vật tư, kể cả từ phân bón, từ các mặt cơ bản đến giờ phút này giống má, giống thủy sản, giống cá, giống tôm, giống lúa về cơ bản Việt Nam đủ sức để các doanh nghiệp, các trung tâm khoa học cung ứng cho bà con sản xuất.

Còn đương nhiên một thế giới hội nhập vẫn phải hội nhập, thí dụ tất cả họ rau lai đơn bây giờ đều nhập, vì nhập loại đó mới xuất khẩu được. Đương nhiên hoa hiện nay rất nhiều chủng loại hoa đẹp, ta phải nhập để đa dạng hóa, do đó giữa nhập khẩu với việc chúng ta tự túc để đảm bảo cho sản xuất thì tôi thấy rằng hiện nay chúng ta đảm bảo được về căn bản cho những nhu cầu trên phổ rộng của chúng ta.

Trước đó, trong phiên chất vấn vào buổi sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Số lượng từ khoảng 3.000 doanh nghiệp/năm, nay đã tăng gấp 3 lên khoảng 9.000 doanh nghiệp/năm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới trải đều khắp vùng miền và các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp, chế biến, đến tổ chức thương mại. Tuy nhiên, số lượng tăng nhưng vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong số 11.800 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 40.000 doanh nghiệp hỗ trợ thì chủ yếu vẫn quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu.

“Số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”, ông Cường nói. Đồng thời ông Cường cũng bày tỏ kì vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem