Giám đốc Masan MeatLife: Thịt mát- "vé thông hành" tiến tới xuất khẩu

Hoàng Thắng - Thanh Phong Thứ sáu, ngày 11/10/2019 19:29 PM (GMT+7)
"Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục hoành hành, MeatLife đã áp dụng công nghệ kiểm dịch đảm bảo yêu cầu của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế. Chỉ những con lợn khỏe mới được đưa về để chế biến, sau đó, chuyển về nhà máy xử lý tại Hà Nam. Cuối cùng, chỉ những sản phẩm thịt lợn đủ chất lượng mới được xuất bán".
Bình luận 0

Đó là khẳng định của ông Stefan Henn - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty Masan MeatLife tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần 4 với chủ đề "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới", do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương giao Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Công ty CP phân bón Bình Điền tổ chức vào sáng 11/10, tại Hà Nội. 

Tại diễn đàn, bà Lý Thị Nga - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 tỉnh Cao Bằng cho biết, bà hiện đang là Giám đốc HTX nông nghiệp Thắng Lợi với mô hình trang trại tổng hợp, trồng rừng, chăn nuôi lợn hương bản địa, nuôi giun quế, nuôi vịt, trồng cây ăn quả... Tổng diện tích sản xuất đạt 8,2ha, doanh thu 6,9 tỷ đồng. 

img

Bà Lý Thị Nga, nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 ở Cao Bằng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Bà Nga chia sẻ: "Qua đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua mới bộc lộ thấy, hệ thống giết mổ và chế biến thịt lợn của chúng ta còn rất yếu và đây chính là lý do dẫn tới dịch lây lan nhanh. Được biết, vừa qua đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống giết mổ, chế biến hiện đại như C.P, Masan. Tôi xin phép được hỏi, các doanh nghiệp có mặt ở đây có thể chia sẻ về các mô hình này và làm sao để chúng tôi có thể liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng sản phẩm phục vụ giết mổ thịt theo chuỗi cho công ty?

Trả lời câu hỏi của bà Nga, ông Stefan Henn - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Công ty Masan MeatLife chia sẻ: "Chúng ta thường nghe câu đồ ăn tươi mới tốt nhưng không phải lúc nào cũng vậy đặc biệt đối với sản phẩm thịt. Một vài nghiên cứu chuyên sâu trong những thập kỷ vừa qua cho thấy, chất lượng thịt là một vấn đề phức tạp có liên quan đến quá trình giết mổ, bảo quản. Khoa học đã chứng minh, sau khi giết mổ, quá trình vi sinh vật phát triển bên trong miếng thịt. Vậy làm thế nào để kiểm soát quá trình sinh hóa của vi sinh vật?".

img

Ông Stefan Henn - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Công ty Masan MeatLife. Ảnh: Lê Hiếu.

Ông Stefan cho biết, bên trong một bắp thịt sau quá trình giết mổ sẽ diễn ra quá trình sinh học, vi sinh vật phát triển, quá trình này diễn ra liên tục đến khi miếng thịt được mang đi chế biến. Sau quá trình nghiên cứu chuyên sâu, chúng ta có thể cải thiện chất lượng thịt để cho ra đời “thịt mát”.

“Thịt mát” là loại thịt sau quá trình giết mổ sẽ được đem đi làm lạnh để bảo quản ở nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong một thời gian nhất định, khoảng 16 đến 24 giờ. Lúc này, miếng thịt sẽ trải qua quá trình “chín sinh hóa”, sau đó, mới có thể chế biến và đem đi tiêu thụ.

Chúng tôi sẽ kiểm soát bằng cách điều chỉnh và giới hạn nhiệt độ dưới 5 độ C, qua đó, kiểm soát, ức chế các loại vi khuẩn mang mầm bệnh. Trong chuỗi làm mát chúng tôi vận hành từ 0 đến 4 độ C, có thể đảm bảo an toàn thực phẩm với thời gian khoảng 12 ngày sử dụng.

Người tiêu dùng có thể thưởng thức những miếng thịt mát đảm bảo chất lượng an toàn, vệ sinh. Miếng thịt mát sẽ thơm ngon, mềm, mọng nước, an toàn và có thời gian sử dụng lâu dài.

Tổ hợp chế biến thịt mát Masan Việt Nam (trụ sở tại Hà Nam) có công suất chế biến từ 340 con lợn/ngày, 1,4 triệu con lợn/năm. Ngay từ những ngày đầu nhà máy của chúng tôi đã vận hành theo tiêu chuẩn BRC, là tấm “vé thông hành” cho sản phẩm xuất khẩu trên toàn thế giới. Hiện tại, có hơn 130 quốc gia thực hiện theo tiêu chuẩn BRC.

Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho miếng thịt lợn, trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục hoành hành, MeatLife đã áp dụng công nghệ kiểm dịch đảm bảo yêu cầu của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế.

"Tuyến kiểm dịch đầu tiên của chúng tôi, chỉ những con lợn khỏe mới được đưa về để chế biến, sau đó, chuyển về nhà máy xử lý tại Hà Nam. Cuối cùng, chỉ những sản phẩm thịt lợn đủ chất lượng mới được xuất bán.

Chúng tôi tin rằng, cùng với nông dân, chúng ta sẽ giúp nền nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng phát triển. Ngoài ra, với vai trò của một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đem lại sự tin tưởng, quyền lợi cho người tiêu dùng với các sản phẩm nông nghiệp hiện đại", ông Stefan nói. 

Đến nay, Masan MeatLife đã phục vụ hơn 700.000 người tiêu dùng với hơn 125 điểm bán tại Hà Nội và đã chính thức bán sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9/2019.

Với khởi đầu thành công, Masan MeatLife dự kiến đạt doanh thu từ 500 - 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 với hơn 500 điểm bán tại miền Bắc và miền Nam; kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50 - 70% doanh thu của công ty. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem