Trà Vinh: Nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 qua công tác kiểm tra, giám sát

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 14/10/2024 13:55 PM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã và đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Từ đó, góp phần phát huy những kết quả tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Bình luận 0

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát

Tháng 9 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đã chủ trì, phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại các xã trên địa bàn tỉnh.

Trà Vinh: Nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG 1719 bằng công tác kiểm tra, giám sát - Ảnh 1.

Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Châu Thành. Ảnh: H.X

Nội dung kiểm tra, giám sát, đánh giá tập trung vào tình hình lập, thẩm định, phê duyệt các dự án; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần cùng các nội dung khác có liên quan; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, về dự án 1, từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, đã hỗ trợ 34 hộ đất ở, 1.078 hộ nhà ở.

Về hỗ trợ đất sản xuất, các địa phương không thực hiện bởi hiện nay không còn đất sản xuất để giao cho các hộ dân. Thay vì đó, các xã thực hiện việc chuyển đổi nghề bằng cách hỗ trợ tiền ngân sách nhà nước để hộ dân mua sắm nông cụ, máy móc…hoặc chuyển đổi nghề thông qua vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện một số dịch vụ cơ bản. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ 333 hộ chuyển đổi nghề.

Đối với tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở những vùng khó khăn về nguồn nước, các địa phương mua vật dụng chứa nước hoặc mua các vật dụng để đấu nối dẫn nước đến cho 124 hộ dân. Riêng huyện Trà Cú triển khai xây dựng hoàn thành 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Thanh Sơn, Kim Sơn, Ngãi Xuyên.

Về dự án 4, các công trình đầu tư hạ tầng thiết yếu đã triển khai thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa được 65/208 km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân (chủ yếu tập trung vào đầu tư xây dựng các công trình mới, duy tu bảo dưỡng các công trình thuộc giai đoạn trước đến nay đã hư hỏng, xuống cấp và một số công trình thiết yếu khác).

Về chính sách tín dụng ưu đãi, trong giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện cho 1.036 hộ vay vốn với số tiền hơn 47 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó: nhà ở trên 31,6 tỷ đồng với 601 hộ vay, đất ở 1,2 tỷ đồng với 25 hộ vay, chuyển đổi nghề trên 14,1 tỷ đồng với 410 hộ vay. Năm 2024, Ngân hàng chính sách xã hội chưa phân bổ vốn triển khai thực hiện...

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra, giám sát, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục tại các địa phương. Cụ thể, việc xây kế hoạch giai đoạn và kế hoạch hàng năm vẫn còn lúng túng; công tác thành lập ban quản lý xã, ban phát triển ấp chưa đồng nhất về cách thực triển khai thực hiện chương trình; công tác giám sát cộng đồng một số nơi chưa phát huy hiệu quả đặc biệt đối với việc tham gia khảo sát, thiết kế và thực hiện giám sát theo quy định; các công trình có sự tham gia của cộng đồng do đó chưa phát huy hiệu quả bởi trong thực tế triển khai đã có nhiều công trình vướng vào mặt bằng ảnh hưởng đến đơn vị thi công dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch.

Đối với phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong tiểu dự án 2 (Dự án 3), đến thời điểm kiểm tra đều chưa hình thành các tổ, nhóm cộng đồng tham gia và xây dựng các dự án, phương án sản xuất...

Bài học kinh nghiệm rút ra qua công tác kiểm tra, giám sát

Thứ nhất, phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành, thực thi là yếu tố then chốt để đạt kết quả Chương trình MTQG 1719. Khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Trà Vinh: Nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG 1719 bằng công tác kiểm tra, giám sát - Ảnh 2.

Ngành chức năng tỉnh Trà Vinh kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ xây nhà ở cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: H.X

Thứ hai, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng. Đây là yêu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, thực hiện tốt chức năng điều phối, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719 được quy định cụ thể trong kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch hằng năm.

Thứ tư, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn lực cho triển khai thực hiện chương trình, đặc biệt chú trọng lồng ghép sử dụng tốt nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ các chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, nâng cao năng lực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về chương trình. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, của đồng bào các DTTS, tiếp nhận và sử dụng chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem