Cánh đồng của ấp Trà Kim trải rộng hàng trăm ha mát mắt một màu xanh của các loại cây trồng như đậu phộng, cà chua, khổ qua. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhiều hộ dân trong ấp Trà Kim đã thực sự đổi đời.
Trả sổ nghèo
Ông Thạch Chan Na Ra - một trong 2 hộ có thu nhập cao nhất năm nay của ấp Trà Kim nhờ trồng đậu phộng phấn khởi cho biết: “Năm nay nhà mình ăn Tết Chol Chnam Thmây to nhất đấy. Năm nay, đậu phộng không chỉ trúng mùa, mà còn trúng giá. Với hơn 12 công đậu phộng, nhà mình thu 120 triệu đồng. Nghĩ lại mấy năm trước mà thấy cực, trồng lúa phó mặc cho trời, thiếu ăn triền miên...”.
Đậu phộng cao sản bén đất màu ấp Trà Kim từ hơn 4 năm nay. Gia đình ông Kim Soi mấy năm trước thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ xoá nhà tạm. Năm nay, trúng một mùa đậu phộng, gia đình ông đã trả sổ hộ nghèo.
Về Trà Kim những ngày này, hỏi chuyện làm ăn đâu đâu cũng thấy người dân nói đến giá đậu phộng, khổ qua, cà chua... Anh Thạch Rịt Thi- Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp cho biết: “Từ chỗ chỉ vài chục ha, đến nay diện tích trồng chuyên màu giá trị thu nhập cao của cả ấp đã lên tới 235ha. Một số cây trồng mới đưa vào như cà chua cao sản, khổ qua Én Vàng đang được bà con mở rộng diện tích bởi năng suất cao, giá bán hời...”.
Theo lời anh Thạch Rịt Thi, ấp Trà Kim không chỉ có các cây màu giá trị kinh tế cao, nhiều hộ trong ấp đã thoát nghèo nhờ nuôi lợn thịt, bò sinh sản. Cách đây 4 năm, đàn lợn của ấp chỉ hơn 500 con, đến nay lên gần 1.600 con, đàn bò từ hơn 400 con lên 826 con...
Giàu có từ cái đầu
Ấp Trà Kim có 365 hộ, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Kh’mer. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo trong ấp lên tới 79% và thuộc Chương trình 135. Vậy mà chỉ 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 24,3% theo tiêu chí cũ (tiêu chí mới là 33%). Thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, từ 6 triệu đồng/người năm 2006 lên 12 triệu đồng/người năm 2010.
Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hoà chia sẻ: “Chỉ mấy năm thôi, Trà Kim từ một ấp thuộc diện nghèo đói, khó khăn nhất tỉnh Trà Vinh đã vươn lên ấp khá giả, ấp văn hoá...”.
Trước kia, mỗi khi có tang, người ta để người chết trong nhà hàng tuần lễ. Trước khi chôn lại mở nắp quan tài cho người thân xem mặt lần cuối. Giờ đây, tục lệ này đã bị bỏ đi bởi người dân biết rằng làm như vậy là rất mất vệ sinh và tốn kém...
Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa
Theo ông Giang, sự đổi thay ở Trà Kim là nhờ có các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, nhưng quan trọng nhất là nhận thức của người Khmer trong ấp đã thay đổi theo hướng tiếp cận với cách nghĩ, cách làm tiên tiến.
Nhắc đến ấp Trà Kim không thể không nói tới anh Thạch Rịt Thi- Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp. Vốn là người vào tu trong chùa Khmer từ nhỏ nên tiếng nói của anh được bà con trong ấp lắng nghe.
Chuyện tiếp nhận kiến thức khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trong ấp thì đã rõ. Nhiều người vẫn còn nhớ như in cách anh vận động bà con tham gia kế hoạch hoá gia đình, xây dựng đời sống văn hoá mới.
Với chuyện sinh đẻ, anh lý lẽ “Đẻ nhiều, đẻ dày con cái sinh ra còi cọc, ốm yếu bệnh tật...”. Nhờ tiếng nói của anh Thi, nếp sống của người Khmer ấp Trà Kim đã văn minh hơn.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.