Ở Bài hát yêu thích tháng 9, nhìn cách tung hứng hay “đá xoáy” của chị với Lê Hoàng, số đông cho rằng chị không có thái độ tôn trọng vị đạo diễn này?
- Điều này có thể được giải thích dễ dàng: Cơn giận của đám đông không bao giờ cần một lý do. Nó cần một cái cớ.
Đám đông có xu hướng phản ứng với những sự vật, hiện tượng lạ mắt. Với tập quán đám đông mới hình thành gần đây, ta có thể thấy đa phần phản ứng tức thì được bộc lộ dưới hai hình thức chủ yếu - lòng thương hại hay sự giận dữ. Lòng thương hại được thể hiện ồ ạt và thiếu suy nghĩ với những cái tít với từ “Đắng lòng...” đã thành câu đùa truyền khẩu hợp mốt. Người ta sẽ lập tức thấy mình muốn chia sẻ tin, kích động lây lan và ồ ạt giúp đỡ mà không cân nhắc nhu cầu hay quyền lợi thật sự của đối tượng. Điều này được nhận thấy qua hiện tượng bé Hào Anh hay bà cụ hảo tâm cưu mang mèo hoang.
Nhưng nhiều vượt trội so với lòng hảo tâm ồ ạt đó của nhu cầu “từ thiện”, đó là phản ứng giận dữ với các hiện tượng lạ mắt. Việc một ai đó cướp lời đạo diễn Lê Hoàng vốn đã là sự lạ, chiếc áo đạo đức được dễ dàng sử dụng liền tay để phủ lên cơn phản ứng. Trên thực tế, chính anh Lê Hoàng trước đây từng là đối tượng của đám đông khi anh là vị giám khảo duy nhất cho điểm “ngược đời” hay thẳng thừng “chê bai”, cho đến khi sự khắt khe của anh trở thành tiền lệ, quen tai quen mắt, người ta không còn phản ứng nữa.
Sự tôn trọng tôi dành cho đạo diễn Lê Hoàng chính là việc tôi coi anh Hoàng là nhân vật khách mời tâm đắc duy nhất có thể cùng tôi thể hiện mọi ý kiến cá nhân dù chủ quan hay khách quan nhất, phơi bày thẳng thắn, và cọ xát thẳng thừng.
Người ta lại quen mắt hơn với sự tôn trọng được thể hiện qua hình thái khoanh tay cúi đầu, hoặc cung cách ngọt nhạt để kìm nén quan điểm đối lập thường thấy trên truyền hình. Đã có những cái đầu cúi xuống trước anh Hoàng, nhưng ắt hẳn ác cảm và định kiến sẽ tồn tại dài lâu bên ngoài ống kính camera. Còn với tôi, tôi tin cả với đạo diễn Lê Hoàng, sau buổi quay hôm ấy, chúng tôi vẫn sẵn sàng ngồi bên nhau tại bất cứ chương trình nào và tôn trọng nhau theo cách thể hiện riêng của mỗi người. Sai lầm duy nhất của tôi chính là vẫn tin rằng màn ảnh truyền hình không nên chỉ là vở tuồng lịch sự.
Trác Thúy Miêu- FASHION MAGAZINE
Chị nghĩ sao trước phản ứng có phần hơi cay nghiệt của dư luận?
- Đây không phải là lần đầu tiên tôi ý thức được việc này, và đây cũng không hề là một khám phá mới mẻ, đặc biệt với giới truyền thông. Áp lực về mật độ thông tin phải luôn cập nhật, phải luôn có cái mới, mỗi tuần trôi qua phải có ít ra vài sự kiện nóng bỏng cũng là góp phần khiến công luận bị hút vào tốc độ phản ứng với thông tin.
Quan điểm
Sự tôn trọng tôi dành cho đạo diễn Lê Hoàng chính là việc tôi coi anh Hoàng là nhân vật khách mời tâm đắc duy nhất có thể cùng tôi thể hiện mọi ý kiến cá nhân dù chủ quan hay khách quan nhất, phơi bày thẳng thắn, và cọ xát thẳng thừng...
Hàng loạt bài báo diễn ra trước mắt dưới hình thức đường liên kết chỉ hiện rõ tiêu đề nóng bỏng, hàng loạt sự kiện cùng lúc diễn ra trên các kênh giải trí. Người ta liếc qua tít bài, chóng vánh lướt qua các chương trình, hau háu trước biến cố nhưng bỏ qua nội dung biến cố, và ngay lập tức, người ta phát sinh nhu cầu lên tiếng, tỏ thái độ tức thì với những gì được “nhìn” thấy hơn là được “xem” hoặc “đọc”.
Đơn cử sinh động nhất, nếu bài viết này được đăng với phần bình luận mở dành cho độc giả bên dưới, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy trên 70% là những phản hồi minh chứng rằng người phát ngôn chưa - hề - đọc - qua - nội - dung hoặc không kham nổi một lượng ngôn từ nhiều đến vậy cho một bài phỏng vấn. Họ sẽ đơn giản lên tiếng nói về nhân vật/hiện tượng được đề cập đến trên tít chứ không phải các chi tiết trong phần nội dung.
Tôi không cho là họ đang tỏ ra hà khắc. Cả sự hà khắc lẫn lòng bao dung đều đòi hỏi lòng kiên nhẫn, chủ kiến rõ ràng và một sự cẩn trọng trong phản xạ.
Những gì chúng ta đang thấy chỉ là một lượng năng lượng tiêu cực rất lớn, rất mạnh, đang đòi hỏi được thể hiện vào bất kỳ đối tượng nào nhác “trông có vẻ” trái mắt hoặc lạ mắt.
Sai lầm duy nhất của tôi chính là vẫn tin rằng truyền hình không nên chỉ là vở tuồng lịch sự.
Với câu chuyện “chiếc nón bảo hiểm” ở Bài hát yêu thích tháng 10 có thể nói chị thách thức, “mời gọi”: “Các bạn thích chửi mắng thì cứ kiếm tôi!”?
- Có thể đúng. Phần lớn những người chọn phân tích chiếc nón của tôi, họ nhìn thấy một chiếc nón bảo hiểm để trêu cợt trò ném đá của họ, thế là họ ném. Thật ra, cái họ nhìn thấy chính là một cái khăn đỏ của matador - giác sĩ đấu bò tót. Một cái bẫy khác là vào Bài hát yêu thích tháng 9, khi tôi chọn nói về sự cần thiết của thể loại trữ tình, song song cùng hành khúc, tổ khúc, trường ca...trong dòng nhạc cách mạng thì mọi người chỉ thuần túy “nhìn” thấy tôi “khen” ca sĩ Long Nhật.
Chương trình tháng 10, khi tôi bất thuận với việc phối hợp thủ pháp rap với lối vè Nam Bộ, họ chỉ “nhìn” thấy tôi “chê” ca sĩ Đan Trường. Nhìn vào bức tranh “phong trào toàn dân tham gia ném đá” này, tôi có được cho mình một sự hiểu biết sinh động hơn về tập quán của đám đông, và cả những nguyên nhân của nó. Các ca sĩ làm việc cật lực để chiếm thịnh tình của khán giả, thậm chí cống hiến hết cả sự nghiệp thì cũng chỉ được ái mộ bởi một đối tượng nhất định.
Tôi không cho là chia sẻ của tôi đã “có phần mạnh mẽ”. Đó có thể đã không hề là một lời khen, nhưng được phát ngôn một cách chân thành. Để ghi nhận được sự chân thành đó đòi hỏi người nghệ sĩ hay công chúng có một bản lãnh nhất định, không phải để tiếp thu vô điều kiện, nhưng để nhìn thấy và ghi nhận sự chân thành, vốn xưa nay đều hiếm.
Có thể trong mắt người này, tôi như một con tem in lỗi, thậm chí không có giá trị để chuyển một bức thư tới tay người nhận. Nhưng trong mắt người khác, tôi là một món vật sưu tầm có cùng với nó một số phận, một câu chuyện và một thông điệp về bối cảnh xã hội, công nghệ hay cộng đồng đã hình thành nên nó. Có rất ít người thuộc nhóm thứ hai”.
Chị nghĩ sao khi trên truyền hình hiện có khuynh hướng “khen cho chết”?
- Nói chung là nếu chết được thì... đằng nào cũng chết. Nếu người nghệ sĩ khi tài hoa bắt đầu được thừa nhận, anh có can đảm phủ nhận những lời ca tụng? Anh có dám không lập fan club để bảo đảm tính hồn nhiên trong lòng ái mộ của công chúng? Sự khiêm nhường tỉnh táo của nghệ sĩ nếu giúp anh vượt qua được những lời ca tụng, hoài nghi và dám phủ nhận được cả những lời khen, thì ắt hẳn, anh sẽ đủ tỉnh táo để vượt qua những sự chê bai công kích.
Nhưng có lẽ lý thuyết đó của tôi quá lí tưởng cho một nền công nghệ giải trí quá hoàn hảo. Những nghệ sĩ, họ hạnh phúc hơn rất nhiều lần khi được yêu mến và cũng đau khổ hơn rất nhiều lần khi bị phủ nhận, chê bai. Đó là lý do vì sao tôi hoàn toàn thông cảm cho ca sĩ Đan Trường nếu anh buồn lòng về nhận xét của tôi, hay anh Long Nhật, nếu anh buồn lòng vì nhận xét của đạo diễn Lê Hoàng. Nhưng đây là nền công nghệ máu lạnh và xét về phương diện nghệ thuật, đây là một lãnh vực sáng tạo hướng thượng, đòi hỏi vận động và sáng tạo, chứ không phải thế giới bác ái đại đồng với những tâng bốc giả trá, lời tán tụng đến từ đối tượng tiêu thụ đĩa lậu và download miễn phí, trong khi sản phẩm dán tem vẫn mỏi mòn ngoài tiệm băng đĩa.
Dư luận nói, Thúy Miêu hơi lố khi thể hiện sự không đồng tình của mình để tạo kịch tính và tăng tính tương tác trong chương trình?
- Chính xác, tôi thừa nhận điều này, trong hành vi tương tác với khách mời bình luận hay trong cách xuất hiện, nhưng không hề có sự cường điệu trong quan điểm nhận xét. Không gian, tư cách và ngữ cảnh xuất hiện của tôi không hề là một học giả đạo mạo, đầy bình luận chuyên môn. Các nhạc sĩ xuất hiện ở tư cách của mình, đúng bản chất, như chiếc nón cowboy của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Các nhà phê bình âm nhạc xuất hiện với kiến thức, thông tin, sở học hoặc chiếc Ipad. Tôi thì chỉ có một cái nón, một sự cảm thụ hồn nhiên và những phát ngôn chân thành, cùng lối thể hiện hoạt kê, vốn là một phần bản ngã của chính mình.
Xin cám ơn chị!
Bồng Sơn (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.