Trách nhiệm tù mù, nước mắt đổ về đâu?

Hà Phạm Thứ bảy, ngày 09/01/2016 06:30 AM (GMT+7)
Cá chết trắng sông, nước mắt người nuôi cá đổ về đâu khi Tết đã cận kề?
Bình luận 0

Trong muôn vàn những thứ tù mù trên đời này, có một tù mù vô cùng to lớn mà hễ có chuyện gì không may mắn xảy ra thì tất thảy dân đen trong đời sống xã hội đều mong muốn được cậy nhờ đến nó. Tên của tù mù ấy là cơ quan chức năng (hoặc “lực lượng chức năng”, hoặc “các cấp có thẩm quyền”...)

Tất nhiên không phải các cơ quan chức năng không làm gì, chỉ là vì không cụ thể thôi. Ví dụ như vụ cá chết trên sông Đồng Nai mấy ngày cuối năm 2015.

Có phải ít đâu, nổi trắng mặt nước, hơn 200 tấn cá bị thiệt hại với số tiền ước tính khoảng 10 tỷ đồng,  240 hộ dân nuôi cá bè ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho đến ngày 7.1 vẫn đang ngồi khóc vì tiền tỷ phút chốc đổ xuống sông. Tết đến nơi mà nợ nần chất chồng.

img

Người nuôi cá khóc bên bè cá nổi đầy cá chết.

Những lúc ấy, họ còn biết làm gì hơn là mong được các cơ quan chức năng quan đoái hoài. Cá chết vì đâu? Nếu vì ô nhiễm thì thủ phạm của ô nhiễm tên là gì? Câu hỏi ấy rất cần được giải đáp, để nước mắt người nông dân biết hướng mà đổ xuống.

Cơ quan có trách nhiệm về quản lý nuôi trồng, phát triển thủy sản (Chi cục Thủy sản Đồng Nai) cho biết, mẫu nước tại làng cá bè có hàm lượng ôxy hòa tan giảm. Cá chết do thiếu ô xi, đại khái cũng như người chết vì không thở được, chuyện ấy chẳng nói cũng biết.

Còn thiếu ô xi vì đâu, theo trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, về kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước đoạn sông Cái nơi xảy ra cá chết hàng loạt, thì nguyên nhân là do mật độ nuôi cá quá dày đặc. Các hộ dân cho cá ăn các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh và chế độ ăn tăng cường đã làm phát sinh một lượng lớn vi khuẩn có hại trong nước.

Việc gia tăng hàm lượng hữu cơ từ thức ăn dư thừa cũng làm hàm lượng oxy hòa tan bị suy giảm. Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột về chế độ thủy triều cũng là một trong những nguyên nhân làm cá chết. Tóm lại, ngoài lỗi của thủy triều, lỗi lớn thuộc về…người dân.

Người nuôi cá địa phương chắc chắn tiếp tục khóc vì khó mà  đồng tình với lý do ấy.  Vào các năm 2011, 2014, cá bè nơi đây cũng đã chết hàng loạt do nước thải từ các nhà máy lân cận gây ô nhiễm nguồn nước. Mà ô nhiễm sông Đồng Nai thì nặng nề lắm.

Trước đó, ngày 6.11.2015,  trong cuộc họp tổng kết,  Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) đã đưa ra những con số giật mình. Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, còn gay gắt gọi đó là “những con số khủng khiếp”.

Theo báo cáo từ cơ quan cảnh sát bảo vệ môi trường, hiện trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai có đến hơn 4.500 điểm xả thải đổ vào các sông, suối rồi chảy về. Mỗi ngày, lưu vực sông này tiếp nhận trên 480.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất.

Dọc lưu vực sông tồn tại hơn 220 bệnh viện nhưng nhiều nơi không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, có hơn 400 làng nghề, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi dọc lưu vực sông mỗi ngày xả ra khoảng 150.000 m3 nước thải, gần 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Rồi lấp sông bằng những đất đá người ta nghi nằm trong khu vực ô nhiễm nặng, rồi sạt lở, rồi thủy triều...

Sơ sơ vài con số thế để biết cá không tự nhiên chết vì ăn.

Nhưng ngành chức năng vẫn nương tay lắm.  Mặc dù, theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên 11 tỉnh, thành thành viên sông Đồng Nai đã phát hiện trên 2.100 vụ vi phạm và đã xử phạt hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, có 15 vụ bị ngành chức năng khởi tố. Nhưng hiện trạng vẫn là ô nhiễm nặng, ngành chức năng vẫn biết, chỉ không trả lời dân được mà thôi.

Bởi thế, ngành chức năng bao giờ cũng là một danh tính rất… tù mù!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem