Trái cây bản địa khan hiếm, thương lái Trung Quốc cũng đi vét hàng

Thứ bảy, ngày 10/06/2017 10:32 AM (GMT+7)
Ảnh hưởng xâm nhập mặn vẫn đè nén lễ hội trái cây tại Chợ Lách, Bến Tre (từ 27 – 31.5). Ông Hải, Việt kiều Đức, cảm nhận được sự cố gắng của các nhà vườn trong điều kiện kinh tế khí hậu bất lợi, nhưng lễ hội cũng nhận không ít lời phàn nàn trên Facebook.
Bình luận 0

Trên 10.830ha vườn bị thiệt hại trong mùa khô khốc liệt nhất kể từ năm 1926 đến nay, nhà vườn ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc trăng, Trà Vinh vẫn còn ê ẩm. Ngược lại, những khu vườn còn sống sót hoặc vùng ít bị ảnh hưởng thì dân buôn ngọt ngào đặt cọc, giá tại vườn: chôm chôm 40.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 45.000 – 55.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 giá 40.000 – 45.000 đồng/kg, sầu riêng khổ qua 35.000 đồng/kg, măng cụt 55.000 đồng/kg…

img

Chôm chôm đang được giá.

“Giá cao nhưng sản lượng năm nay thấp lắm, chỉ những nhà vườn “lão luyện” mới trúng mùa – trúng giá, nhưng số đó không nhiều”, ông Nguyễn Hoàng Nhu, trưởng trạm khuyến nông huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nơi thường xuyên hỗ trợ nhà vườn tham dự lễ hội trái cây và từng đạt giải vàng, nói: “Nửa tháng trước nhiều loại trái cây có múi “sốt” giá, thương lái “quần” ráo riết mà không có hàng vì  vườn cây ăn trái chỉ mới phục hồi chừng 50 – 70%”.

 “Lái gọi điện hỏi mua măng cụt liên tù tì, sẵn sàng vô tới vườn bẻ tiếp, họ cũng vô tới vườn xoài, vườn dâu…”, ông Hai Sang, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nói rằng năm ngoái, năn nỉ họ không thèm đếm xỉa!. “Thử hình dung dâu vàng (còn gọi là dâu bòn bon) giá bán chỉ có 2.000 – 3.000 đồng/kg. Năm ngoái, tui để rụng luôn vì mướn người hái một ngày tốn 200.000 đồng, tính ra lỗ thì hái làm gì. Năm nay, lái mua mão, giá 10.000 đồng/kg, bán 50 gốc dâu, giá 25 triệu đồng”, ông Ba Nhỏ, lão nông ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết.

Huyện Phong Điền may mắn hơn nơi khác vì không bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt thiên tai lịch sử năm 2016, ông Ba Nhỏ yên tâm khi 50 gốc măng cụt, mỗi ngày thu hoạch 15 – 20kg, xoài Đài Loan 30 – 50kg.

Ông Ba Nhỏ từng nếm mùi cay đắng, ngọt bùi khi thương lái hụt hàng thì giá cao; nhưng trúng mùa, dội chợ, giá còn chừng phân nửa.

Dân buôn Trung Quốc cũng men theo dấu chân dân buôn nội địa, dừng ở các chành vựa. Chị Út Ái, chủ vựa trái cây ở quốc lộ 61B, đoạn nối Cần Thơ – Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) định giấu kín, nhưng ấm ức vì bị dân buôn Trung Quốc giựt hết 50 triệu đồng. “Những lần trước thông qua vựa ngoài Bắc, họ trả tiền sòng phẳng lắm, nhưng chuyến rồi giao hàng, cả tháng gọi điện cứ ò í e”. Không có hợp đồng, thậm chí cứ điện qua điện lại chứ chẳng biết gốc gác, địa chỉ, thấy họ mua giá cao, không kén chọn hàng, mua số lượng lớn, lời gần 50% nên “dại gì không bán”, đó là đường dẫn khiến chị Út Ái bị giựt tiền.

Kể từ đó đến nay, vợ chồng chị Ái mua trái cây vườn, tự bỏ mối và che bạt làm sạp ven đường bán lẻ cho khách vãng lai. Giá trái cây vẫn còn rất cao vì dân buôn từ ngoài Bắc vẫn đặt hàng bán sang Trung Quốc và những người chưa bị giựt tiền như chị Ái vẫn ráo riết gom hàng. Người tiêu dùng nội địa, mua hàng giá cao do cuộc cạnh tranh rút hàng sang Trung Quốc. Giá sầu riêng các loại đang được thương lái bán lẻ tại các chợ có mức giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các loại bưởi da xanh và năm roi cũng lên tới 60.000 – 65.000 đồng/kg đối với bưởi loại 1 và 50.000 đồng/kg đối với bưởi loại 2. Cam xoàn 40.000 đồng/kg, cam sành 35.000 đồng/kg, cam mật 30.000 đồng/kg. Giá chôm chôm tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg, thậm chí 80.000 đồng/kg đối với các giống của Thái Lan, Indonesia. Chỉ có xoài ghép từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, những giống xoài mới, bán làm quen  như xoài Úc, 10.000 đồng/trái ( 200 – 300g/trái).

Thị trường cây giống ghép bo nóng lên khi một số trại giống được đặt hàng giá cây giống mít Thái, xoài ghép, sầu riêng với số lượng lớn. Nhiều chủ trại giống nói: thương lái đặt số lượng lớn đi Lào, một lần vài chục ngàn gốc là chuyện thường. Cây giống mít Thái, giá 40.000 đồng/gốc. Cơ hội vàng hay cạm bẫy, không ai biết được, nhưng có người đặt hàng thì cứ làm.

Đồng bằng sông Cửu Long có 288.260ha cây ăn trái, sản lượng đạt hơn 3 triệu tấn. Thực tế, những tác động ngầm không rõ từ đâu đang khiến diện tích cây ăn trái dao động, cứ mỗi lần dao động giá nhà vườn lại đốn bỏ, trồng loại mới. Dần dần những giống bản địa bị thay thế hoặc lai ghép đến lúc mít Thái thay mít nghệ, xoài cát Hoà Lộc thuần chủng trở thành hàng hiếm. Nhiều trang trại phải nhập cả chuối cấy mô từ Trung Quốc.

TS Huỳnh Kim Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NNPTNTtỉnh Vĩnh Long, cho biết Vĩnh Long có 4.989ha trồng xoài, riêng diện tích trồng xoài bản địa xoài xiêm núm thuần chủng bắt đầu được mở rộng theo quy trình VietGAP. Ông Trần Văn Đằng, tổ hợp tác xoài xiêm núm do TS  Định giúp, cho biết thương lái bắt đầu mua xoài xiêm núm chở về Sài Gòn, ra miền Bắc nhưng họ có đặt tên khác hay không, nhà vườn không biết được. Theo TS Định, diện tích trồng xoài xiêm núm tại Vĩnh Long đạt chuẩn VietGAP khoảng 47,56ha, sản lượng 563 tấn, chất lượng không hề thua kém các loại xoài có tiếng khác. Chất lượng xoài đạt chuẩn GAP, thơm, ngọt không kém Cát Chu, Hoà Lộc thuần chủng.

Tuy vậy, năm nay xoài hút hàng, rút cả xoài keo từ Campuchia vào Việt Nam, giá bán tại Đồng Tháp, Vĩnh Long: 40.000 đồng/kg. 

Vân Anh – Ngọc Bích (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem