Trái cây cần gấp “cánh đồng lớn”

Thứ ba, ngày 05/08/2014 15:51 PM (GMT+7)
Trái cây Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, các loại trái cây nhiệt đới này cũng đang được ưu tiên phát triển mạnh tại các nước Thái Lan, Trung Quốc, Mexico… dự báo sẽ tạo ra làn sóng cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong thời gian tới.
Bình luận 0

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Liên kết bốn nhà trong sản xuất, tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL” tổ chức tại Bến Tre mới đây.

Nhiều cơ hội mới

TS Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật 2 (Cục Bảo vệ Thực vật) cho biết, thị trường của trái cây Việt Nam những năm gần đây ngày càng rộng mở. Theo đó, những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Chile… cũng đã cho phép nhập khẩu nhiều loại trái cây của Việt Nam.

Ông Đạt cho biết thêm, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật 2 đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để mở rộng thị trường cho xoài, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa… Cụ thể, dự kiến trong năm nay, xoài Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào Mỹ, năm 2015 sẽ có mặt tại Nhật, Úc. Cùng với đó, chôm chôm cũng đang được xem xét cho nhập khẩu tại thị trường New Zealand, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015 tới. Cũng trong năm nay, nhãn, vải, vú sữa Việt Nam có khả năng sẽ được nhập khẩu vào Mỹ, Úc…

Ông Huỳnh Quang Đấu –  Tổng giám đốc Công ty CP Rau quả Thực Phẩm An Giang (Antesco) cũng cho biết, đơn vị này vừa liên kết với HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) để trồng xoài bao trái, phục vụ xuất khẩu vào Hàn Quốc. Trong thời gian tới, Antesco có kế hoạch xuất từ 500 – 1.000 tấn xoài vào Hàn Quốc.  

Hay như đợt cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam và New Zealand đã ký kết chương trình đảm bảo chính thức xuất khẩu trái thanh long của VN Việt Nam sang New Zealand. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho thanh long Việt Nam khi đến nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long sang New Zealand.

Dù thị trường có nhiều tiềm năng, nhưng theo ông Đạt, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi nhiều nước trên thế giới đang đầu tư phát triển cây ăn trái với diện tích lớn.

Ông Đạt ví dụ, thanh long hiện là sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng đến nay đã có nhiều nước đầu tư trồng thanh long. Cụ thể như Mỹ có hơn 500ha trồng tại Hawai, Nhật cũng trồng thanh long tai đảo Okinawa. Loại “nữ hoàng trái cây” này cũng được trồng ở Israel với diện tích khoảng 500ha.

Hơn nữa, sắp tới đây, thanh long từ Mexico, Đài Loan, Thái Lan cũng sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ. “Điều kiện dịch hại ở Mexico khác Việt Nam nên liều lượng chiếu xạ thấp hơn, việc vận chuyển từ Mexico vào Mỹ cũng thuận lợi hơn. Nhờ đó sẽ giúp trái thanh long Mexico cạnh tranh hơn Việt Nam về mặt giá cả, chất lượng và cả nhà phân phối”, ông Đạt phân tích.

Còn ông Huỳnh Quang Đấu thì cho rằng, chi phí giá thành của trái cây Việt Nam ngày càng tăng khiến sức cạnh tranh của sản phẩm giảm mạnh.

img

TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thuận Hải.

Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu

Để tận dụng tốt những cơ hội mới trên và tránh tình trạng “được mùa mất giá”, nhiều chuyên gia nông nghiệp phát biểu tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp lần thứ 6 tại Bến Tre vừa qua đều cho rằng, cần phải nhanh chóng xây dựng những “cánh đồng lớn” cho cây ăn trái.

Ông Lương Ngọc Trung Lập – Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, giá các loại trái cây tại thị trường Mỹ có sự chênh lệch rất lớn giữa chính vụ và nghịch vụ. Cụ thể như giá chôm chôm, mức chênh lệch là khoảng gần 2,5 lần. Từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, chôm chôm tại Mỹ có mức giá thấp nhất, chỉ từ 6.5 – 9,5USD/kg. Mức giá này tăng dần sau đó và đạt mức giá cao nhất, từ 13,5 – 15,5USD/kg trong 6 tháng đầu năm sau.

Đây là cơ hội tốt cho chôm chôm nghịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, cần phải có những vùng chôm chôm nguyên liệu đạt chuẩn đủ sản lượng lớn. Trong khi hiện nay, diện tích vườn chôm chôm áp dụng điều chỉnh mùa vụ còn nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

TS Nguyễn Văn Hòa – Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đồng ý rằng, để xây dựng được những “cánh đồng lớn” cho cây ăn trái, mỗi tỉnh cần hình thành được đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp, thường xuyên gắn bó với nông dân. Đây cũng là đội hình vừa lồng ghép việc tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất theo VietGAP vừa là người chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới…

“Đội ngũ này cũng làm nhiệm vụ giám sát sự thực thi nghĩa vụ của từng đối tác trong chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo các bên đều có lợi”, ông Hòa nhấn mạnh.

TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia thì nhận định, việc phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tại các tỉnh ĐBSCL thời gian qua đã tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Thông thừa nhận, dù sản lượng trái cây ĐBSCL rất dồi dào nhưng sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu chưa nhiều, chỉ 10% tổng diện tích, tức khoảng 300ha cây ăn trái các loại đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

“Do đó, liên kết để sản xuất trái cây chất lượng cao, sản lượng lớn sẽ là điều tất yếu để trái cây ĐBSCL có thể cạnh tranh với các loại trái cây nhiệt đới từ Thái Lan, Ấn Độ… thời gian tới” - ông Thông nhấn mạnh.

Thuận Hải (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem