Trái cây loanh quanh sân nhà

Thứ ba, ngày 23/11/2010 15:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nước ta từng tự hào là có nhiều loại trái cây đặc sản nhiệt đới thơm ngon, nhưng do đầu tư dàn trải, không tập trung, không có định hướng, trái cây Việt Nam bao năm qua vẫn chỉ loanh quanh trong nội địa.
Bình luận 0
img
Trái cây khi vào đến siêu thị, giá đã đội lên gần 2 lần, một phần do tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch quá lớn.

95% nhà vườn, nông dân hiện nay chỉ giao dịch với một đối tượng duy nhất là thương lái. Nhà vườn không nắm bắt được yêu cầu của thị trường thế giới nên mọi yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh, bảo quản… đều không đạt.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch do trái cây bị hư hỏng, giập nát, thối nhũn của trái cây VN rất lớn: Khoảng 30– 40%. Do vậy, chênh lệch giá từ nhà vườn đến cửa hàng tiêu thụ khá xa: Từ 1,7 đến 2,5 lần tùy loại trái. Cao nhất hiện nay là thanh long, chênh lệch giá là gần 2,5 lần; kế đến là bưởi da xanh: 2,16 lần; xoài cát Hòa Lộc: 2 lần; măng cụt: 1,85 lần,…

PGS.TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Hệ thống lưu thông, phân phối trái cây ở thị trường nội địa đã hình thành nhưng chưa hợp lý và rộng khắp, gây nên tình trạng thừa thiếu cục bộ, lúc chính vụ thì rớt giá, khi nghịch vụ thì giá tăng cao”.

Vườn tạp

“Phần lớn diện tích đất trồng cây ăn quả ở mỗi hộ tại ĐBSCL khá nhỏ, diện tích dưới 1ha/hộ chiếm trên 85%, nhưng lại trồng nhiều loại. Số hộ trồng từ 2 loại cây trong vườn trở lên chiếm hơn 90%” – Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam phân tích.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm của New Zealand, họ chỉ tập trung vào trồng và xuất khẩu 3 loại trái cây chính là kiwi, lựu và táo. “Nếu kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm của New Zealand hiện nay là 2,5 tỷ USD thì 3 loại trái cây này đã chiếm đến 2,4 tỷ USD” - TS Michael Lay-Yee - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu thực phẩm và cây trồng của New Zealand chia sẻ. Việc tập trung mục tiêu cũng khiến tập trung nguồn lực đầu tư, do vậy dễ thành công hơn.

Ông Michael cho rằng việc đầu tiên Việt Nam cần làm là đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học. Ông dẫn chứng: 20 năm trước, New Zealand đầu tư hơn 16 triệu USD cho việc nghiên cứu phát triển trái kiwi và lợi nhuận ròng trái kiwi mang lại cho đất nước này ngày nay là hơn 400 triệu USD/năm.

Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy đóng cửa

Ông Đới Xuân Quảng - Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, những nguyên nhân trên khiến giá trái cây tăng cao, DN không mua vì tính ra không lời, hoặc có muốn mua cũng không đủ theo yêu cầu đơn hàng. Do vậy, hiện cả nước có 60 nhà máy chế biến rau, củ, trái cây các loại với công suất 313.000 tấn/năm nhưng thực tế chỉ hoạt động 50% công suất, nhiều nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa trong thời gian tới.

Thời gian tới quỹ đất tại các tỉnh ĐBSCL (sản xuất hơn 2,9 triệu tấn trái cây/năm, chiếm gần 42% sản lượng trái cây của cả nước), một số lớn diện tích trồng cây ăn trái sẽ chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Ông Tuấn cảnh báo việc đất trồng cây ăn trái các huyện ven biển của Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang sẽ bị xâm nhập mặn do nuôi tôm nước lợ và do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó các địa phương cần cân nhắc quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả trong điều kiện các nước trong khu vực xây dựng hơn 30 công trình thủy điện – thủy lợi lớn nhỏ ở lưu vực thượng trung lưu sông Mê Kông. Điều này sẽ làm cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng vào mùa khô, đe dọa nghiêm trọng đến các vườn cây ăn trái ở ĐBSCL.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem