Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại lợn, với những con lợn đẹp như trong tranh, mông, vai chắc nịch, da dẻ hồng hào, anh Thắng - chủ trang trại ở xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) nói: “Chăn nuôi bây giờ phải có “mẹo”, chứ không giá cám, bột tăng như bây giờ có mà lỗ chổng vó”.
|
Chất cấm Beta agonist được dùng trong chăn nuôi lợn. Ảnh minh họa. |
Sau một hồi tỷ tê, khi thấy tôi thật lòng muốn học hỏi kinh nghiệm về “ngón nghề” này, anh Thắng rỉ tai: “Mới cho ăn gần tháng thôi mà đã ngon vậy rồi đấy. Không có bột tăng trưởng, có khéo nuôi thế nào cũng khó có được đàn lợn “ngon” như vậy. Chú lên xã Liên Nghĩa hỏi cửa hàng thuốc thú y (Hiếu – Suốt) cạnh cây xăng Liên Nghĩa mà mua. Nó có hỏi, bảo anh Thắng giới thiệu lên, nếu là người lạ nó không bán đâu”.
Theo lời của Thắng, trong vai một người dân chăn nuôi đang có đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng muốn mua thuốc Beta agonist để thúc, mông má đàn lợn bán kiếm chút lời, tôi gõ cửa cửa hàng thuốc thú y Hiếu - Suốt. Một người phụ nữ trạc 30 tuổi ra mở cửa.
Để tránh sự nghi ngờ, tôi giới thiệu là bạn anh Thắng ở Mễ Sở có hơn trăm con lợn chuẩn bị xuất chuồng nhưng mã không được đẹp, nên muốn mua ít thuốc Beta agonist... Sau khi hỏi vài câu mang tính “kiểm tra”, người phụ nữ cho biết cửa hàng có bán loại thuốc này, nhưng hiện tại hết hàng, nếu muốn lấy thì phải chờ 1 – 2 ngày nữa, số lượng bao nhiêu cũng được.
Để mồi khách, người phụ nữ còn giải thích rõ: “Thuốc này hiệu quả lắm, mỗi bịch 1kg, giá 600.000 đồng có thể trộn được 2 tấn cám, bột. Một tháng sau, mỗi con có thể tăng tới chục kg, nhưng quan trọng nhất là lợn mông nở, vai nở, chắc, nhiều nạc, lái buôn thấy là muốn mua rồi”.
Bà này cũng “khuyến cáo” rằng, mặc dù dùng loại thuốc này lợn nhanh lớn, mông nở, vai nở, nhiều nạc, nhưng nếu dùng quá sớm, lợn sẽ rất dễ mắc các bệnh và rất khó chữa. “Tốt nhất là nên “vỗ” vào 2 tháng cuối chuẩn bị xuất chuồng, vừa an toàn không lo lợn mắc bệnh mà mã lợn lại đẹp”.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.