Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt thôn Châu Trinh. Ngay từ đầu làng, mùi hôi thối bốc ra khiến chúng tôi phải bịt kín mặt mũi rồi đi thật nhanh. Người dân vùng này khẳng định, đó là mùi bốc ra từ trại nuôi lợn của gia đình ông Dương Văn Long (thôn Châu Trinh).
Nước thải chảy thẳng ra môi trường.
Gia đình chị Võ Thị Phượng chỉ cách trại lợn ông Long bức tường rào. Nhiều năm nay, nhà chị chịu cảnh ăn không ngon, ngủ không yên. Nhà chị ở ngay phía sau chuồng lợn, mỗi khi gió nổi lên là cả nhà ngạt thở.
"Họ đào rãnh dọc theo bờ tường, bao nhiêu nước thải tuồn ra đó cả. Nhiều hôm phải đưa con đi nơi khác chơi, hết mùi lại về, cứ đêm đến thối không chịu được, dù đóng kín cửa. Hiện cả gia đình tôi dùng nguồn nước giếng để sinh hoạt, về lâu dài nước thải ngấm xuống lòng đất sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm”, chị Phượng lo lắng.
Cũng theo chị Phượng, trước đây gia đình bà Anh (vợ ông Long) nuôi lợn còn ít thì cũng đã có mùi nhưng không nghiêm trọng như bây giờ. Nhiều năm trở lại nay, bà Anh tăng quy mô đàn lợn, xả nước thải chảy quanh vườn, mùi hôi thối, ruồi nhặng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Nằm ngay trong khu dân cư nhưng trại lợn luôn duy trì hàng trăm con.
“Cứ buổi chiều, bà Anh lại ra vườn múc nước thải tưới cây. Nhiều lần tôi thấy, có ý kiến thì bà dừng lại nhưng hôm sau vẫn tiếp tục. Người dân trong xóm nhiều lần đến nói chuyện và yêu cầu gia đình khắc phục nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không thay đổi”, chị Phương cho biết.
Gia đình bà Hà Thị Thanh cũng nằm sát trại nuôi lợn này, do không chịu được mùi hôi thối nên bà chuyển ra trang trại của gia đình nằm phía ngoài đồng để lánh. Trong nhà chỉ có cậu con trai bám trụ lại, tuy nhiên, nhiều hôm nửa đêm đang ngủ mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, con trai bà phải lọ mọ cả đêm chạy ra trang trại để ngủ.
Bà Thanh bức xúc: “Mùi hôi thối bủa vây quanh nhà, không chịu được nữa đành phải chuyển đi nơi khác ở. Không chỉ những hộ dân xung quanh chịu cảnh ô nhiễm mà nhiều nhà cách trại lợn chừng 400 – 500m cũng không thoát. Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Dù cam kết giảm đàn nhưng bà Anh vẫn tiếp tục nhập về hàng chục con lợn.
Tiếp xúc với bà Lê Thị Hồng Anh, chủ trại lợn thì được biết gia đình bà nuôi lợn cả chục năm nay, có thời điểm lên đến gần 100 con. Hiện tại, bà đang nuôi 7 con lợn nái, hơn 20 con lợn thịt, vừa rồi mới mua thêm 25 lợn con. Sắp tới có 2 nái chuẩn bị đẻ, bà định để nuôi luôn.
Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về việc xây bể biogas thì bà Anh cho hay gia đình có sử dụng bể biogas nhựa dung tích lớn nhất. Còn nước thải ra vườn là nước rửa chuồng trại để trồng rau trong vườn. “Phải cho ra vườn chứ bể biogas làm sao đủ được. Sắp tới tôi đang định đầu tư máy bơm để tưới rau quanh vườn!?”, bà Anh nói.
Ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: “Trại nuôi lợn có bể biogas nhưng do gia đình tăng đàn dẫn đến quá tải, nước thải chảy ra ngoài. Còn việc nuôi lợn trong khu dân cư thì không thể tránh khỏi mùi được. Tháng 4/2016, tôi có xuống kiểm tra, yêu cầu gia đình giảm quy mô xuống dưới 20 con. Gia đình có cam kết xuất hết lứa lợn sẽ giảm đàn để đảm bảo tiêu chí NTM, tránh ô nhiễm môi trường vì xã đang có kế hoạch xây dựng thôn Châu Trinh thành khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
Dù gia đình đã cam kết giảm đàn xuống dưới 20 con nhưng thực tế gia đình bà Anh vẫn tiếp tục nhập về hơn 20 con lợn, chưa kể số lợn nái và lợn thịt trong chuồng. |
Tâm Đan (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.