Trồng lúa, nuôi gà: "Ăn to" nhờ phân bón và thức ăn thảo mộc

Anh Tùng Thứ hai, ngày 14/05/2018 19:30 PM (GMT+7)
Thay vì sử dụng phân vô cơ, bà con ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) dùng thảo mộc ủ lên men làm phân bón và dùng ớt, gừng, tỏi và thuốc lá được ủ lên men để thay thuốc trừ sâu. Mặc dù năng suất có thể giảm nhưng bù lại, sản phẩm sạch 100% và cực kỳ thân thiện với môi trường.
Bình luận 0

Trên thực tế, cách canh tác của nông dân Triệu Phong không phải là mới, nó xuất phát từ Hàn Quốc và được gọi với tên: canh tác tự nhiên. Nghĩa là người trồng sẽ không sử dụng bất cứ một loại phân vô cơ hay loại hóa chất nào mà chỉ dùng phân vi sinh hữu cơ được tạo nên từ chính những loại cây quen thuộc trong vườn nhà.

Nói về mô hình canh tác thuận theo tự nhiên này, ông Nguyễn Văn Tố, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Triệu Phong cho hay: Ban đầu khi triển khai dự án, cái khó nhất là sợ bà con không đồng  tình, vì canh tác theo lối thông thường bà con sẽ nhàn hơn, năng suất cũng cao hơn.

img

Cánh đồng lúa được canh tác tự nhiên với cách chăm sóc truyền thống và sử dụng phân bón hoàn toàn từ thảo dược.

Tuy nhiên, ngược lại với lo lắng của các cấp chính quyền, bà con lại nhiệt tình ủng hộ và thích ứng rất nhanh với mô hình mới. Hiện, đã có trên 200 hộ trồng lúa, hơn 200 hộ nuôi gà và 60 hộ trồng rau ở huyện Triệu Phong áp dụng canh tác tự nhiên vào quy trình sản xuất.

Là một trong những thành viên của HTX sản xuất nông sản sạch, gia đình chị Phạm Thị Tư ở thôn An Hưng (xã Triệu Tài) luôn dành một góc nhỏ trong nhà kho để đựng những thùng chứa lá thuốc khô, ớt, tỏi, gừng, can xi xương… được ngâm trong dung dịch rượu để làm chế phẩm bón cho cây lúa, cây rau. Những chế phẩm này được dùng để thay thế cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước đây gia đình chị vẫn dùng trong sản xuất nông sản.

img

Thay vì cho ăn cám công nghiệp tiện lợi, người nuôi gà ở Triệu Phong kỳ công "chế: thức ăn riêng từ các loại cây, quả lên men.

Cùng với đó, các thùng đựng thức ăn cho lợn cũng rất khác so với trước đây. Đó là chị dùng thân cây chuối trộn với đường để lên men. Cá cũng được lên men cùng với đường. Ngoài ra, chị còn dùng bột bắp, bột cá để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn lợn sạch của mình. Quy trình nuôi lợn sạch ngoài đảm bảo khâu giống, thức ăn sạch, vấn đề xử lý chất thải cũng được quy định nghiêm ngặt. Chất thải của lợn cùng với trấu sẽ được ủ thành phân bón sử dụng cho cây trồng.

Có thể nói, giờ đây, những khái niệm như chế phẩm thảo mộc gừng, tỏi, thuốc lá để phòng sâu bệnh; chế phẩm đạm cá được làm từ cá, ốc FAA là phân bón cho cây lúa, chế phẩm nước thân cây PFJ được lên men từ thân cây chuối, cây rau và một số cây khác để tưới cho rau… đã trở nên quen thuộc với chị Phạm Thị Tư cũng như toàn bộ thành viên của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đến từ một số thôn của xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Sơn. Với họ sử dụng các chế phẩm này trên đồng ruộng đem lại thật nhiều lợi ích trong đó có việc họ sẽ an toàn hơn trong quá trình sản xuất.

img

Tuy năng suất giảm nhưng bù lại giá nông sản được canh tác tự nhiên được bán cao hơn, giá trị kinh tế lớn hơn và quan trọng nhất là thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.

Chuyển biến đáng ghi nhận trong nhận thức canh tác của nông dân đó là sau khi được các chuyên gia nông nghiệp đến từ Hàn Quốc hướng dẫn người dân chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã tiếp thu và bắt tay vào thực hiện. Sản phẩm rau sạch từ khu vườn này không chỉ được khách hàng ở TP Đông Hà lựa chọn mà  còn được người dân trong vùng tin dùng dù mức giá có cao hơn so với sản phẩm thông thường. 

Ông Tố cho biết thêm: trong quy trình làm ra một sản phẩm sạch không thể không kể đến khâu kiểm tra giám sát. Ở các nhóm hộ tham gia sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên đã thực hiện nghiêm ngặt cơ chế giám sát chéo. Các hộ giám sát lẫn nhau và các nhóm giám sát lẫn nhau. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng tham gia vào quá trình giám sát để đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng quy trình.

Theo tính toán của Phòng NNPTNT huyện Triệu Phong, mặc dù canh tác tự nhiên năng suất thấp hơn so với sản xuất thông thường, song bù lại giá bán lại cao gấp đôi. Đơn cử như trồng lúa, giá lúa sạch có thể bán tới 15.000 đồng /kg lúa, còn gạo 22.000 đồng/kg. Trong khi lúa sản xuất truyền thống chỉ bán được từ 6.000 – 7.000 đồng/kg.

Nguyên tắc của phương pháp canh tác tự nhiên là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội. Cốt lõi của phương pháp này là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem