Ghé vườn cây trái của gia đình anh Minh, chúng tôi không khỏi bất ngờ với vườn cam sành rộng gần 6 ha xanh tốt; trong đó, có 2 ha đang cho thu vụ thứ 3 và gần 4 ha đang cho trái bói vụ đầu tiên.
Vừa hái những trái cam anh Minh vừa vui vẻ chia sẻ, đây là năm thứ 4 vườn cam nhà anh cho thu hoạch. Trước đây khi mới trồng, mỗi năm vườn cam chỉ cho thu 2 vụ. Nhưng 2 năm nay, nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên vườn cam đã cho thu 3 vụ/năm.
Anh Lê Hoàng Minh bên vườn cam bạc tỷ
“Năm nay, ước tính cả 3 vụ thu hoạch, anh Minh thu được khoảng trên 130 tấn quả. Bình quân, cam được bán với giá từ 14 - 18 ngàn đồng/kg. Riêng vụ cam tết năm nay, anh Minh thu được khoảng 20 tấn và bán với giá từ 18 - 20 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tính sơ sơ gia đình tôi thu về được hơn 1 tỷ đồng/năm.
“Từ 2 ha cam này, giờ tôi đã xây được nhà mới và mua thêm được gần 4 ha đất để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất” - anh Minh chia sẻ.
Về kinh nghiệm trồng cam sành, theo anh Minh, cam sành trồng được trên rất nhiều loại đất, kể cả đất pha cát. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn nước để tưới cho cam. Tất cả các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước ở vùng đất này đều rất thuận lợi để cây cam phát triển.
Sau khi vay mượn hai bên gia đình, vợ chồng anh Minh mua được 2 ha đất sản xuất và anh chọn cây cam để trồng. Từ đó, anh bắt tay vào làm đất, lên luống rồi quay trở lại miền Tây mua giống cam. Hiện nay, vườn cam của gia đình anh có hơn 10.000 gốc. Trong đó, 2 ha (với 4.000 gốc) đã cho thu hoạch, gần 4 ha còn lại đang cho quả bói. Ngoài ra, anh Minh còn trồng gần 200 cây bưởi da xanh. |
Là người miền Tây, nên từ nhỏ anh anh Minh đã được làm quen với nghề trồng cam sành, vốn đã nổi tiếng của vùng đất Cái Bè. Từ cách chọn giống, đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cam, anh đều nắm rất kỹ lưỡng. Năm 2009, sau khi lập gia đình, anh “khăn gói” về quê vợ ở xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) lập nghiệp.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam anh Minh cho biết: “Trồng cam sành không khó, nhưng để thành công đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân, xịt thuốc… làm sao để cam cho trái đều, quả không bị sâu bệnh..".
Theo anh Minh, để phòng bệnh cho cam có hiệu quả, ngoài việc xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho cam theo định kỳ, thì cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá. Đặc biệt, từ khi cây ra hoa kết trái đến khi thu hoạch cần phải bón đủ phân và đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên 2 lần/ngày cho cam...
Từ hiệu quả mang lại của vườn cam này, một số hộ dân trong xã Đại Lào đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm về để nhân rộng mô hình. Vì vậy, cùng với việc ngày ngày chăm sóc vườn cam, anh Minh còn sản xuất cây giống để cung cấp cho những người có nhu cầu tại địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2018, anh đã xuất bán được hơn 20.000 cây cam giống, với giá từ 12 - 14 ngàn đồng/cây. Ngoài ra, anh còn tận tình tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam cho người dân quanh vùng khi muốn phát triển loài cây này.
Ông Phạm Công Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), cho biết: “Mô hình trồng cam của anh Minh là mô hình phát triển kinh tế “điểm” và có hiệu quả cao của xã. Trước đây, vùng đất Đại Lào ít ai nghĩ có thể trồng cam, nhưng nhờ sự mạnh dạn của mình, anh Minh đã đưa cây cam chinh phục được vùng đất này."
"Từ mô hình của anh Minh, đến nay, toàn xã Đại Lào đã có hơn 10 hộ đầu tư trồng cam, với diện tích từ 5 sào đến 2 ha/1 hộ. Từ hiệu quả thực tế này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có phương án để hướng cho bà con nông dân chuyển đổi những diện tích phù hợp trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, sầu riêng để tăng thu nhập làm giàu cho gia đình”, ông Phạm Công Hương.
|
Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.