Quy trình nghệ thuật in mộc bản tại chùa Sủi. (Clip: VP).
Trong 3 ngày (từ mùng 1 đến hết mùng 3/3 Âm lịch, tức từ ngày 21 đến ngày 23/4) diễn ra Lễ hội Bông Sòng năm 2023 với nhiều hoạt động mới. Lễ hội Bông Sòng năm nay được đông đảo người dân háo hức chờ đón, bởi đây là lần đầu tiên làng Sủi tổ chức lễ hội này, sau 4 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19.
Lễ hội đã tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian cùng với các môn thể thao hiện đại trong 3 ngày hội để tạo không khí tưng bừng, phấn khởi cho nhân dân. Đồng thời, nhà chùa (chùa Sủi) đã phối hợp với Ban quản lý di tích tổ chức lễ cầu quốc thái dân an, tri ân các nhà hảo tâm đã có đóng góp xây dựng khu di tích và tổ chức cuộc thi đọc và tìm hiểu "Tuyên văn Mục lục", một hình thức khuyến học độc đáo chỉ có ở làng Sủi - một trong những làng khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử của dân tộc.
Đặc biệt, trong chuỗi chương trình giao lưu văn hóa chào mừng lễ hội truyền thống chùa và làng Sủi có hoạt động đáng chú ý, được du khách thích thú trải nghiệm đó là tái hiện nghệ thuật in mộc bản.
Bảo tồn di sản tư liệu - Mộc bản
Chia sẻ với Dân Việt, thượng tọa Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi cho biết, mộc bản là 1 bản khắc trên gỗ. Nội dung khắc có thể là văn tự và cũng có thể là hình vẽ. Từ những nội dung khắc trên mộc bản chúng ta có thể sử dụng để in trên các chất liệu giấy khác nhau thành sách, tranh.
Du khách thích thú trải nghiệm nghệ thuật in mộc bản tại chùa Sủi. (Ảnh: NVCC).
"Mộc bản là một nguồn tài liệu có giá trị to lớn nhưng hiện vẫn chưa được khai thác đầy đủ và phát huy giá trị của nó. Nhiều di sản mộc bản vẫn chưa được kiểm kê và bảo quản đầy đủ, tạo nên khoảng trống trong công tác bảo tồn. Tình trạng hư hỏng và xuống cấp của mộc bản ngày càng nghiêm trọng do được bảo quản trong nhiều điều kiện khác nhau trong hàng trăm năm", Thượng tọa Thích Thanh Phương cho hay.
Thượng tọa Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi tái hiện nghệ thuật in mộc bản. (Ảnh: VP).
Giá trị là vậy nhưng nhận thức về mộc bản vẫn còn hạn chế. Mặc dù UNESCO đã chính thức công nhận mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên vào ngày 31/7/ 2009, tuy nhiên tính phổ biến vẫn còn thấp. "Một trong những nguyên nhân chính là việc nhận biết giá trị của mộc bản chưa đủ khiến cho nhiều người không biết đến loại hình di sản này và khó có cơ hội tiếp cận với nó. Hơn nữa, nguồn kinh phí eo hẹp và việc áp dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn mộc bản cũng chưa được thực hiện một cách khoa học", Thượng tọa Thích Thanh Phương chia sẻ.
Chùa Sủi đã thành lập văn phòng bảo tồn di sản của riêng mình. Văn phòng nhằm bảo tồn, quảng bá giá trị của mộc bản nói riêng và các hoạt động của nhà chùa nói chung.
Anh Lê Thanh Hải, một tình nguyện viên, người có nhiều năm nghiên cứu về chữ Hán - Nôm và mộc bản, làm việc trong văn phòng bảo tồn di sản của chùa Sủi cho rằng, cần phải bảo tồn các mộc bản quý giá, được ví như bảo vật quốc gia. "Mộc bản đa phần làm bằng gỗ thị, không tránh được mối mọt. Nhiều mộc bản tôi sưu tầm, hiện đang gặp khó khăn trong việc bảo quản", anh Lê Thanh Hải nói.
Thượng tọa Thích Thanh Phương chia sẻ, theo truyền thống, mộc bản được bảo quản tại các chùa trong các tạng kinh, mỗi tủ được phân tầng xung quanh bởi các chân vuông làm bằng gỗ lim dày dặn và chắc chắn, kệ có cửa và khóa. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh và thời tiết, gây khó khăn trong việc bảo quản, đặc biệt là ở Việt Nam với thời tiết phức tạp.
"May mắn thay, hiện nay đã sử dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến hơn để bảo quản mộc bản. Các mộc bản được thống kê, đánh số và kiểm tra chất lượng trước khi đưa về lưu trữ và bảo quản tại kho của các trung tâm lưu trữ. Tại đây, mộc bản được đặt trong những chiếc tủ chống ẩm, chống mối mọt giúp bảo quản được lâu hơn. Sau đó, tiến hành khắc bù những tấm ván in bị thiếu và ghi hình cẩn thận để thế hệ sau có thể tìm hiểu, nghiên cứu và phục dựng dựa vào đó", Thượng tọa Thích Thanh Phương nói.
Cụm di tích đình - đền - chùa Phú Thị, hay còn được biết đến với tên chùa Sủi, nằm cách trung tâm Hà Nội 20km. Du khách có thể lựa chọn đi qua cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì và tiếp tục đi xuống theo Quốc lộ 5. Sau khi đi qua thị trấn Trâu Quỳ khoảng 3km, rẽ trái và đi tiếp theo tỉnh lộ 282 khoảng 1,5km về hướng Bắc Ninh. Cụm di tích này nằm tại làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội ngày nay, thuộc trang Thổ Lỗi và là một công trình kiến trúc cổ thuộc đất Kinh Bắc xưa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.