"Mỗi số phận chứa một phần lịch sử"

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ Chủ nhật, ngày 12/03/2023 06:48 AM (GMT+7)
Là những cảm nhận chân thực của PGS.TS Lưu Khánh Thơ khi đọc cuốn "Người thầy" của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, NXB Quân đội nhân dân, 2023.
Bình luận 0

Cuốn sách được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức( Ba Quốc) 1922 – 2022.

Đây là cuốn sách của một người học trò kể về người thầy của mình thấm đẫm lòng tri ân sâu nặng và đạo nghĩa thầy trò bền lâu qua năm tháng cuộc đời.

"Mỗi số phận chứa một phần lịch sử"  - Ảnh 1.

Nó được chính một người lính trong cuộc viết ra với lượng thông tin dồi dào, trải nghiệm chân thực và cảm xúc không tô vẽ có lẽ đã thoả mãn nhiều thế hệ bạn đọc, cho người đã đi qua chiến tranh hồi tưởng những tháng ngày khốc liệt và cho người trẻ hôm nay hiểu thêm về thử thách chiến tranh, nhận thức rõ hơn về cái giá của cuộc sống hòa bình hôm nay. Qua số phận của một cá nhân có thể thấy được lịch sử một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử của ngành tình báo quân đội nói riêng và đất nước nói chung.

Trong Lời giới thiệu sách, Đại tướng Phạm Văn Trà  -nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: "Con người này (anh Ba Quốc) đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, đó là chỉ sống chết với nghề tình báo, một người chuyên nghiệp. Nhưng hơn cả, đây là một người có lý tưởng và nghiêm túc đến mức khắc nghiệt đối với công việc… Tôi được chứng kiến mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa thầy và trò của anh Ba Quốc với Nguyễn Chí Vịnh. Có thể nói đây là mối quan hệ mẫu mực của một cán bộ cao cấp của quân đội với một sĩ quan cấp dưới. Anh Ba Quốc đã đào tạo Nguyễn Chí Vịnh từ một trợ lý mới bước vào ngành tình báo, chưa qua chiến đấu, thử thách để trở thành một trợ lý giỏi, rồi từ đó đi xa hơn trong ngành Tình báo chiến lược của quân đội. Từ những ngày đầu tiên vào ngành năm 1984, cho đến năm 2000, khi Nguyễn Chí Vịnh được giao trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục II, không một ngày nào thiếu sự hiện diện của anh Ba Quốc bên cạnh người học trò của mình và đã giúp cậu ấy "nên người".

Tác giả của Người thầy không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Anh viết tác phẩm của mình với suy nghĩ đơn giản: "Nói về những bài học về nghề, về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành Tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành. Tôi cố gắng viết tất cả những gì mình biết và hiểu về ông Ba Quốc, trừ những điều không được nói ra theo nguyên tắc nghề nghiệp… Tôi muốn cuốn sách này như một lời nhắc nhớ cho những người còn sống, về một con người bất tử". Không có gì khiến người ta tin và xúc động bằng suy nghĩ trách nhiệm, giầu tính nhân văn như thế.

Có thể với kho tư liệu đầy ắp vốn sống thực tế này khi "vào tay"một nhà văn chuyên nghiệp nó sẽ trở thành bộ tiểu thuyết đồ sộ, hấp dẫn người đọc với rất nhiều thủ pháp nghệ thuật này khác. Nhưng ở đây, với những câu chuyện và chi tiết hiện thực tươi ròng sự sống, được nhìn với cự ly sát gần của người trong cuộc, nó lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với hàng loạt công việc và hoạt động tình báo quân đội. Có thể xem đây là một tác phẩm phi hư cấu chân thực, sinh động, giàu tính nhân văn về lý luận và nghệ thuật tình báo quân đội.

Tác giả cuốn sách luôn thôi thúc đi tìm lời giải và đã phần nào trả lời được câu hỏi: Điều gì đã làm nên sự đặc biệt trong nghề nghiệp tình báo của ông Ba? qua từng trang viết. Cùng với hình ảnh ông Ba Quốc còn có hình ảnh các "ông già tình báo" – những "con Át" của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam như: Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Hai Nhạ (Vũ Ngọc Nhạ), Sáu Trí (Nguyễn Văn Khiêm). Năm Thúy (Lê Hữu Thúy)…Thiếu tướng Tình báo Ba Quốc (Đặng Trần Đức) luôn tâm niệm: "Mình không còn đảm nhiệm chức vụ nhưng sẽ không rời đội ngũ. Với tôi, suốt đời phục vụ tình báo, sống tình báo nuôi, chết tình báo chôn".

Tính kỷ luật, lòng yêu nước, trách nhiệm với ngành của các ông trước sau như một, rất đáng khâm phục. Chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc, ý thức trách nhiệm cao trong công việc cộng với bản năng sinh tồn, sự chọn lọc tự nhiên khiến họ trở nên vô cùng tài giỏi trong nghề nghiệp. Đó là "món nợ" tinh thần của tác giả đối với người thầy, với đồng chí, đồng đội. 

Nó buộc anh phải ghi lại và chia sẻ. Để những người lính thế hệ anh nhớ lại và tự hào về những năm tháng mình đã sống, đã hy sinh, chiến đấu vì đất nước, phụng sự nhân dân. Để thế hệ sau có được một hình dung đầy đủ hơn khó khăn, chiến tích của một thời và cái giá của những ngày đang sống hôm nay. Phải chăng như thế, anh đã phần nào âm thầm thực hiện sứ mệnh của một nhà văn?

Thu hút bạn đọc bởi những câu chuyện hết sức chân thực, phi hư cấu, tác giả cũng đã cho thấy phần nào quá trình học tập, rèn luyện của chính bản thân mình – người học trò xuất sắc xứng đáng với sự tin yêu mong đợi của lãnh đạo các cấp. Cuốn sách đã khắc họa đậm nét chân dung ông Ba Quốc, viên tướng Tình báo tài giỏi trong công việc và cả trong muôn mặt đời thường. Sát cánh bên ông luôn có những người đồng đội trung thành, tận tụy vào sinh ra tử. Và đặc biệt là gia đình vợ con, những người toàn tâm toàn ý, bao dung độ lượng, sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi hy sinh, thua thiệt, cốt sao để chồng cha họ hoàn thành nhiệm vụ được giao và an toàn trở về.

Không tô vẽ, không hoa mỹ, không nặng nề giáo điều. Cuốn sách mô tả rất chân thật về cuộc đời và hoạt động của những người lính Tình báo phải trải qua sự khắc nghiệt của môi trường hoạt động. Bao trùm lên tất cả cuộc đời và sự nghiệp của họ là sự thầm lặng: Hoạt động thầm lặng, hy sinh thầm lặng và những chiến công thầm lặng…

Sách được kể lại theo thời gian tuyến tính, gồm có 8 chương. Tác giả chú trọng chi tiết và các sự kiện lịch sử cụ thể đã diễn ra, các sự kiện nối tiếp nhau theo thời gian tuyến tính. Đây là một cấu trúc hồi ức sáng rõ. Tác giả đã tái hiện không gian hoạt động gắn liền với thời gian của các sự kiện. Chi tiết là phần đem lại giá trị của văn xuôi phi hư cấu. May thay, người viết có trí nhớ tốt, một "bộ lọc" tinh kỹ nên đã cho ra những bức tranh hiện thực sống động, cụ thể...

GS. Huỳnh Như Phương đã khái quát một cách hiểu cho khái niệm văn xuôi phi hư cấu như sau: "Trong văn bản phi hư cấu, người trần thuật luôn là người chứng kiến câu chuyện được kể lại. Đó không phải là câu chuyện được tưởng tượng mà là những sự kiện, biến cố có thật, có thể được kiểm chứng một cách khách quan.

Những sự việc và con người ở đây đều phải được xác định rõ ràng về địa chỉ. Sức hấp dẫn mà văn xuôi phi hư cấu đem lại chính là sức hấp dẫn của sự thật. Vì vậy mà người viết văn phi hư cấu thường có tư chất của người nghiên cứu đi tìm sự thật… Mở một văn bản phi hư cấu ra, độc giả có niềm tin rằng, đây là cuộc đời tự nó lên tiếng và người trần thuật không can thiệp làm méo mó bản chất của sự kiện". 

Từ đó có thể thấy, nếu văn xuôi hư cấu thỏa sức cho tưởng tượng, tâm trạng, cảm xúc cá nhân của tác giả thì trái lại, văn xuôi phi hư cấu phải tuân thủ các sự việc có thực; việc xây dựng những hình tượng nghệ thuật thường bắt nguồn từ nguyên mẫu, không phải là sản phẩm sáng tạo của trí tưởng tượng như trong tiểu thuyết… Cảm hứng sự thật làm nên sức hấp dẫn và quyết định giá trị tự thân của tác phẩm phi hư cấu.

Thời gian gần đây, hàng loạt cuốn hồi ức, tự truyện về chiến tranh và người lính kế tiếp nhau ra mắt người đọc, được đón chào nồng nhiệt: Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Chuyện lính Tây Nam (Trung sỹ- Xuân Tùng)... càng thêm khẳng định giá trị và sức cuốn hút của văn chương phi hư cấu về đề tài chiến tranh, người lính - một chủ đề quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm Người thầy viết về những người hoạt động trong ngành Tình báo quân đội đã góp phần vào thành tựu chung rất đáng tự hào đó.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem