Làm thế nào để di sản vừa mang lại bộn tiền, vừa chữa lành tổn thương?

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 25/03/2023 08:36 AM (GMT+7)
Chiều 24/3, hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” đã diễn ra tại Nhà khách Chính phủ.
Bình luận 0

Vẫn còn nhiều bất cập trong bảo tồn và phát huy giá dị của di sản

Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới.

Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (Công ước 1972) là Công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm mối quan hệ cân bằng hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Hơn 50 năm qua, Công ước 1972 đã khẳng định là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị toàn cầu.

Làm thế nào để di sản vừa mang lại bộn tiền, vừa chữa lành tổn thương? - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam". Ảnh: HTL.

Tại Việt Nam, từ khi phê chuẩn Công ước 1972 đến nay, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Các di sản đã và đang đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống của cộng đồng, phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, Công ước Di sản Thế giới 1972 đã trở thành nền tảng để phát triển và thử nghiệm các phương pháp tiếp cận mới, cho thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững, như ông Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng các di sản thế giới đã "giúp đỡ và cải thiện sinh kế, chữa lành tổn thương và giúp phục hồi cộng đồng".

Làm thế nào để di sản vừa mang lại bộn tiền, vừa chữa lành tổn thương? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại sự kiện.. Ảnh: LQT.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào Danh mục di sản thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng mạnh mẽ. Đó là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu nổi bật, từ chia sẻ thực tế của các địa phương và ban quản lý các khu di sản, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị danh hiệu UNESCO ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản thế giới với phát triển kinh tế xã hội để phát triển bền vững chưa có sự chuyển biến tích cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới còn hạn chế. Một trong những thách thức lớn nhất cần giải quyết là làm sao để hài hòa giữa việc phát triển lợi ích kinh tế và việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong trung và dài hạn.

 Nếu không có giải pháp tổng thể, di sản chỉ là phần nối dài của quá khứ

Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cần phải lồng ghép nhiều giải pháp. Những giải pháp đó có thể nằm ngoài việc bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Bởi trong công tác bảo tồn phải tính đến sự hài hoà giữa giá trị truyền thống và vấn đề đương đại. Nếu không có tầm nhìn tổng thể, các di sản sẽ chỉ là phần nối dài của quá khứ.

Làm thế nào để di sản vừa mang lại bộn tiền, vừa chữa lành tổn thương? - Ảnh 3.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo phhats biểu tại hội thảo. Ảnh: LQT.


Ông Hà Minh Hải – PCT UBND TP. Hà Nội cũng chia sẻ, TP. Hà Nội xác định nhiệm vụ phát triển văn hóa, trong đó vai trò của việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững", cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Thời gian qua, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều. Tiêu biểu như việc tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử, nhất là Di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Điện Kính Thiên, Khu di tích Cổ Loa, đền thờ Ngô Quyền.

Kể từ năm 2010, sau khi UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kỹ - mỹ thuật, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu đã được đầu tư đúng mức. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản…

Làm thế nào để di sản vừa mang lại bộn tiền, vừa chữa lành tổn thương? - Ảnh 4.

Ông Hà Minh Hải - PCT UBND TP. Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững các giá trị của di sản. Ảnh: LQT.

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội, chỉ riêng 03 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210.000 lượt khách tham quan (trong đó có 20% là khách quốc tế) và hơn 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản.

Dẫu vậy, công tác quản lý Hoàng thành Thăng Long vẫn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất, đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, từ chỗ thành phố Hội An được mệnh danh là nơi "dưỡng già", sau 20 năm, Hội An đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng. Năm 2019, Hội An đón 5,5 triệu lượt du khách, trong đó có trên 3 triệu lượt quốc tế. Những chiếc xích lô tại Hội An kiếm được cả tỷ đồng, thu nhập cao, đảm bảo sinh kế của người dân. Qua đó, người dân ủng hộ Nhà nước bảo tồn, phát huy, giữ gìn di sản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn cũng chia sẻ, Hội An có đặc thù phần lớn di tích là của người dân, đa phần phục vụ mục đích kinh doanh nên có phát sinh việc cơi nới, cải tạo, gây biến dạng di sản. Đồng thời, có tình trạng "chảy máu" di sản, nhiều nhà cổ bị bán để chia cho các thành viên trong gia đình. Vì vậy, nếu không có chính sách bảo tồn, một ngày nào đó di sản mất đi hồn cốt.

Làm thế nào để di sản vừa mang lại bộn tiền, vừa chữa lành tổn thương? - Ảnh 6.

Hội An đang trở thành thành phố di sản kiểu mẫu của Việt Nam. Ảnh: TL.

Từ ý kiến của đại diện các địa phương sở hữu di sản, các nhà khoa học, Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản. Cùng với đó, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản văn hóa gắn kết với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là ở một số ngành có ưu thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem