Thực ra chúng ta nên làm quen với hiện tượng này vì đó là một sản phẩm của cơ chế thị trường, chịu ảnh hưởng của quy luật cung cầu chứ không có gì khác. Tình hình quan hệ ngoại giao đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu. Và đó là thứ khó lường, ngay cả khi không có biến động gì thì thị trường vẫn luôn là cô gái đỏng đảnh không ai dễ dàng dự báo chính xác được. Nếu mỗi người Việt ăn thêm một con tôm trong một bữa cơm hay mỗi gia đình tráng miệng bằng một trái dưa hấu 3kg thôi thì người nuôi tôm và trồng dưa có thể bán được thêm 8.000 tấn tôm thẻ và 60.000 tấn dưa hấu mỗi ngày! Và ngay lập tức cháy hàng.
Vấn đề đặt ra của bài toán kinh tế là: Người trồng thanh long, nuôi cá hay sản xuất bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào cũng phải chấp nhận sự rủi ro rất lớn của sản xuất nông nghiệp. Rủi ro ngay từ khâu sản xuất do thời tiết, thiên tai, sâu bệnh và giá cả các mặt hàng của đầu vào như phân bón, điện nước hay thuốc bảo vệ thực vật. Giá thành cao sẽ lỗ, giá thành hạ (được mùa) cũng có thể bị lỗ hoặc thậm chí lỗ nặng hơn vì rớt giá hoặc không bán được do cung quá nhiều mà cầu thì không tăng lên.
Tình trạng đó không chỉ nông dân nước ta (chưa có sản xuất lớn và trình độ sản xuất lạc hậu) mà ngay cả nông dân Pháp hay Mỹ tiên tiến nhất thế giới cũng thỉnh thoảng gặp phải. Có khi người ta phải chủ động phá những cánh đồng ngô hay khoai tây, hạt hướng dương... hoặc đổ sản phẩm xuống biển để giữ mức sản lượng hợp lý. Nhà nước còn hỗ trợ nông dân một phần từ quỹ bảo hiểm nông nghiệp hay thậm chí quỹ dự trữ quốc gia.
Gió mưa là bệnh của trời, giá cả là bệnh của thị trường. Đừng nằm mơ quyết định giá cả của bất kỳ mặt hàng nào trong chợ nếu không thuộc nhà nước. Cho nên phải làm quen với rủi ro. Không chỉ thụ động chịu đựng. Mà phải có kế sách chủ động đối phó. Trước hết, nông dân cần phấn đấu có chút dự trữ, chẳng hạn, nếu mất trắng một lứa tôm hay một mùa thanh long thì vẫn có thể bình chân như vại tiếp tục mùa sau, vụ sau nhờ chỗ dự trữ ấy. Giá cả thường hình sóng biển. Người dám thi gan với thị trường thường không sợ giá cả lên xuống, họ mua áo ấm vào mùa hè chứ không phải có gió mùa đông bắc mới tá hỏa đi chợ để chuốc giá cắt cổ. Họ sẵn sàng chịu mất vốn một lần để cắt lỗ, thua keo này bày keo khác.
Thanh long hiện đang đổ cho bò ăn không làm những nông dân biết làm ăn hoảng hốt sợ hãi. Nhiều trụ thanh long mới vẫn được xây thêm, đó là cách làm ăn có dự trữ cho rủi ro và nhìn xa trông rộng. Trái thanh long hay con tôm... có sẵn giá trị sử dụng nên không sợ bị chê mãi mãi. Người biết chấp nhận rủi ro bao giờ cũng thắng lớn vào phút cuối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.