Tràn lan ảnh khỏa thân: Nghệ thuật hay khoe thân?

Thứ bảy, ngày 26/03/2011 13:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ảnh khỏa thân xuất hiện ngày càng nhiều trên báo, mạng Internet, đặc biệt là của giới nghệ sĩ. Trong số đó, đâu là nude nghệ thuật và đâu là khoe thân phản cảm?
Bình luận 0

“Phong trào” nude

Qua rồi cái thời nghệ sĩ bị lộ ảnh nude, phải lao đao tìm cách thanh minh, đính chính. “Sao” Việt giờ đây mạnh dạn "tiếp thị hình ảnh" bằng cách chủ động công khai những bộ hình khỏa thân với độ "cởi mở" ngày càng cao, từ bán nude dần chuyển sang nude 100%. Tính sơ sơ, thời gian qua đã có hơn chục bộ ảnh nude của ca sĩ, diễn viên, người mẫu… cả nam lẫn nữ.

img
Ca sĩ Tina Tình chụp nude cùng... ngoại tệ. Ảnh: 2sao 

Tuy nhiên, mỗi lần "cởi", họ lại khoác lên những bức ảnh một chủ đề mỹ miều nào đó. Sau khi "chịu chơi" tung ra bộ ảnh nude với chỗ nhạy cảm được che bằng những tờ ngoại tệ và "vòng một" bị siết chặt bởi những bàn tay bí ẩn, ca sĩ Tina Tình chia sẻ về ý nghĩa bộ ảnh của mình là sự ám ảnh của đồng tiền, sắc đẹp và dục vọng (?!).

Mới đây nhất, người mẫu Ngọc Quyên từ TP.HCM đã lên Mộc Châu (Sơn La) để thực hiện bộ ảnh khỏa thân giữa núi rừng tươi đẹp nhằm “kêu gọi bảo vệ thiên nhiên”. Nhưng giữa ý tưởng mà người trong ảnh muốn truyền tải với cảm nhận thực tế của người xem còn là một khoảng xa. Cái mà nghệ sĩ gọi là nghệ thuật thì nhiều khi công chúng lại cho là phản cảm.

Ranh giới mong manh?

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên - người nổi tiếng với ảnh nude nghệ thuật, giữa ảnh khỏa thân (naked) trần trụi, dung tục, phơi bày cơ thể một cách tự nhiên và ảnh nude nghệ thuật có một ranh giới. Cùng là chụp người mẫu thoát y, nhưng nude phải được qua xử lý của người nghệ sĩ bằng kỹ thuật ánh sáng, sắc độ, góc độ, bố cục, đường nét… để thể hiện được vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng mà tạo hóa đã ban cho con người.

img
Tác phẩm “Trái cấm” của nhiếp ảnh gia Thái Phiên

Đáng nói là ở Việt Nam hiện nay chưa có một trường lớp nhiếp ảnh nào giảng dạy và đào tạo chính thức bộ môn ảnh khỏa thân nghệ thuật. Điều đó khiến cho những người sáng tạo nghệ thuật dễ cảm thấy hoang mang và nhiều người không tránh khỏi rơi vào tình huống tạo ra những sản phẩm tưởng là nghệ thuật nhưng thực ra lại phản nghệ thuật.

Trao đổi với Dân Việt, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) khẳng định, những người có chuyên môn nghiệp vụ nhìn là phân biệt ra ngay ảnh nude nghệ thuật với ảnh có mục đích khác. Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm thẩm định, thông qua báo chí để định hướng công chúng, phân tích cho họ thấy rõ đâu là nghệ thuật và đâu là dung tục tạo scandal.

 img
Tác phẩm “Tuổi thanh xuân” của nhiếp ảnh gia Duy Anh

"Những người quản lý hiện nay vẫn cởi mở, ủng hộ đối với các loại hình nghệ thuật đề cập đến nude. Nhưng rõ ràng là người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn phải theo truyền thống văn hóa và thói quen thẩm mỹ của dân tộc. Khi công bố những tác phẩm nude thì cần cân nhắc đến địa điểm cũng như đối tượng hưởng thụ, tiếp nhận tác phẩm sao cho phù hợp” - ông Vi Kiến Thành cho biết.

Ông Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ với Dân Việt về ảnh nude:

"Ranh giới giữa ảnh mang tính thất nude thanh cao, thể hiện vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ với ảnh dung tục, khiêu dâm, thực chất rất rõ. Rõ ngay ở ý đồ của người chụp thể hiện ra trên tác phẩm chứ không phải là sự lẫn lộn mong manh. Người cầm máy mà còn bị mong manh lẫn lộn giữa thanh với tục là thể hiện chưa thành công, không làm chủ được ngôn ngữ nhiếp ảnh của mình.

Ảnh nude là nghệ thuật của ánh sáng và bóng tối. Cái gì che đi thì tối, cái gì cần lộ ra thì sáng. Và mỗi tông độ ánh sáng: sáng chói hay sáng dịu, sáng mờ, đều gợi cho người xem cảm nhận được cái đẹp. Ảnh nude công phu lắm, kỳ thú lắm, không phải đơn giản là bỏ bộ y phục ra là nude đâu! Nude là thẩm mỹ của con người, là vẻ đẹp tạo hóa ban tặng. "

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem