Cổ động viên Algeria tức giận yêu cầu đòi lại tiền khi xem hai đội Tây Đức và Áo "diễn tuồng" trên sân.
41.000 cổ động viên trên sân El Molinon ở Gijón, Tây Ban Nha vào vào ngày 25.6.1982 không ngờ rằng họ đã tận mắt chứng kiến một trong những trận đấu “nhục nhã” nhất lịch sử World Cup.
Giới hâm mộ chờ mong một cuộc chiến thực sự trên sân giữa hai quốc gia có nhiều duyên nợ trong lịch sử. Một trong hai có thể bị loại nếu thua cuộc.
Nhưng kết quả trận đấu này đã khiến bất kỳ ai cũng phải sửng sốt kể cả những người Áo và Tây Đức ở quê nhà.
Mối duyên nợ trăm năm
Ngày nay, tuy là hai quốc gia riêng biệt nhưng người Áo và người Đức đều có chung một ngôn ngữ. Lịch sử Áo và Đức luôn gắn kết với nhau, lúc thì là kẻ thù, lúc thì lại là đồng minh cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Theo các sử gia, Áo ban đầu là một công quốc (là đất đai do một công tước sở hữu và kiểm soát), trong cộng đồng liên bang nói tiếng Đức. Áo phát triển mạnh nhất vào thế kỷ 18 với việc hình thành nên đế quốc.
Năm 1866, cuộc chiến Áo-Phổ nổ ra, khi hai bên đều cho mình là thế lực kiểm soát liên bang Đức. Cuộc chiến kéo dài 1 tháng 12 ngày dẫn đến sự thua cuộc của Áo. Đế quốc Áo mất hết công quốc trong liên bang và thậm chí còn đối mặt với sự sụp đổ nhưng Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck đã thuyết phục vua Phổ là Wilhelm I ngừng tiến công.
Đội tuyển Tây Đức tham gia World Cup 1982 với tư cách là nhà đương kim vô địch châu Âu.
Sau này, Áo liên minh với Hungary tạo thành đế quốc Áo-Hung. Gạt đi những bất đồng trong quá khứ, Đế quốc Áo-Hung liên minh với Đế quốc Đức và Đế quốc Ottoman để cùng chống lại phe đồng minh thời Thế Chiến 1 bao gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ…
Nếu như thất bại trong Thế chiến 1 khiến Đế quốc Áo-Hung tan rã thì những bất ổn trong nội bộ nước Đức là cơ sở để Adolf Hitler lên nắm quyền và cùng với đó là chủ nghĩa phát xít.
Trước khi Thế chiến 2 nổ ra khoảng một năm, trùm phát xít Hitler đã tuyên chiến và xua quân tấn công các quốc gia láng giềng. Nhưng Hitler, một người sinh ra tại Áo, trên thực tế chưa bao giờ tuyên chiến với Áo.
Nhà nước Áo vốn yếu kém, tự sụp đổ và đảng phái thân với phe phát xít mở cửa mời quân đội Đức vào tiếp quản. Lúc này, Áo vốn là công quốc duy nhất bị gạt ra bên ngoài liên bang Đức, nay đã chính thức trở về với Đức.
Sau Thế chiến 2 và sự thất bại của Hitler, Áo một lần nữa độc lập khỏi liên bang Đức, trong khi nước Đức bị chia cắt thành Tây Đức và Đông Đức với hai nền chính trị hoàn toàn khác biệt.
Sự "nhục nhã" ở Gijón
Màn bốc thăm vòng bảng World Cup 1982 đưa Tây Đức và Áo nằm chung với Algeria và Chile. Đội tuyển Tây Đức khi đó là nhà đương kim vô địch châu Âu, vượt qua vòng loại với 8/8 trận thắng và ghi tới 33 bàn.
Trước trận gặp Algeria, một cầu thủ Đức nói: “Chúng tôi sẽ dành tặng 7 bàn thắng cho vợ chúng tôi, còn bàn thứ 8 là cho các chú chó của chúng tôi”. Nhưng rồi một đội bóng đến từ châu Phi như Algeria đã làm nên cơn địa chấn với chiến thắng 2-1.
Người hâm mộ chờ đợi một trận cầu quyết liệt giữa hai đối thủ đầy duyên nợ nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.
Nhưng Algeria lại để thua trận tiếp theo 0-2 trước Áo, trong khi Tây Đức đè bẹp Chile. Ở trận cuối cùng vòng bảng, Algeria dẫn Chile 3-0 trong hiệp 1. Đội bóng đến từ châu Phi đã quá chủ quan khi nghĩ rằng Chile sẽ buông xuôi, để rồi đội tuyển đến từ Nam Mỹ gỡ lại 3-2.
Kết quả này khiến, Algeria rơi vào thế khó vì họ không còn tự quyết định được số phận. Algeria đi tiếp hay không phụ thuộc vào kết quả giữa Tây Đức và Áo.
Tình hình đã phức tạp càng thêm rối rắm vì mối duyên nợ giữa Tây Đức và Áo. Ở kỳ World Cup trước, Áo đã đánh bại Tây Đức với tỉ số 3-2. Chỉ có duy nhất một kết quả Tây Đức thắng Áo 1-0 mới có thể giúp cả hai đội đi tiếp và khiến Algeria bị loại.
Các cổ động viên Algeria khi đó đã đến xem trận đấu với hy vọng Tây Đức và Áo sẽ thi đấu quyết liệt để giải quyết duyên nợ năm xưa.
Nhưng không ngờ rằng, Tây Đức sớm có bàn thắng ở phút thứ 11, đưa tỉ số về đúng với kết quả 1-0. Suốt 80 phút còn lại, cầu thủ hai bên “diễn tuồng” trên sân để bảo toàn kết quả.
Các cầu thủ Tây Đức ăn mừng bàn thắng duy nhất để đưa cả Tây Đức và Áo vào vòng trong.
Hàng nghìn CĐV Algeria trên khán đài bày tỏ sự phẫn nộ, hét vang “Dàn xếp! Dàn xếp!” Một số người đốt tiền trên sân, nhiều người khác tìm cách nhảy xuống sân. Các CĐV chủ nhà Tây Ban Nha cũng rất tức giận khi hai đội thể hiện màn trình diễn tẻ nhạt và tệ hại.
Ngay cả những người Áo và Đức ở quê nhà cũng cảm thấy phẫn nộ và ghê tởm trận đấu. Bình luận viên của đài truyền hình Áo Robert Seeger yêu cầu người xem tắt ti-vi và bày tỏ sự phản đối với việc không nói một lời nào trong phần thời gian cuối trận.
Bình luận viên người Đức Eberhard Stanjek thì nói: “Những gì diễn ra ở đây thật đáng hổ thẹn và không liên quan gì tới bóng đá”.
Ở Đức, người ta gọi đây là “sự nhục nhã ở Gijón” (nơi diễn ra trận đấu), trong khi tại Algeria và những quốc gia ngoài phương Tây, người ta luôn nhắc đến trận đấu này giống như “sự kiện Anschluss” (ám chỉ sự sáp nhập Áo vào Đức thời Đức Quốc xã).
Sau trận đấu, FIFA tuyên bố đội tuyển Tây Đức và Áo không hề vi phạm bất cứ điều luật nào. Kể từ Euro 1984 và World Cup 1986 trở về sau, lượt đấu cuối cùng vòng bảng trong các giải đấu quốc tế luôn diễn ra cùng giờ để tránh tình huống bi hài tương tự có thể xảy ra.
________________
Tại World Cup 1982, đội chủ nhà Argentina lần đầu lên ngôi vô địch theo cách đầy tranh cãi. Bài dài kỳ tới sẽ khai thác bối cảnh thời kỳ đó và lý giải điều gì giúp Argentina làm nên điều thần kỳ.
Lỗi đá phản lưới nhà trong một giải World Cup đã khiến một sao bóng đá phải chịu số phận bi thảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.