Trạng nguyên nước Việt giỏi đến mức nhà Minh phải sát hại là ai?

Thứ bảy, ngày 22/06/2019 20:31 PM (GMT+7)
Khi đi sứ phương Bắc, Đào Sư Tích đã chứng tỏ được trí tuệ uyên bác của mình. Vua Minh phong ông làm Lưỡng quốc trạng nguyên nhưng sau lại ngầm sai người sát hại.
Bình luận 0

Khi thời hạn đi sứ nhà Minh của Đào Sư Tích sắp hết, vua Minh hỏi Đào Sư Tích rằng: Nếu Bắc (chỉ nhà Minh) đánh Nam (chỉ Đại Việt), ai thắng? Đào Sư Tích trả lời bằng hai câu thơ: Bắc thắng, Nam thua, thua thua thắng / Nam thua, Bắc thắng, thắng thắng thua.

Quan võ nhà Minh cười khoái trá, quan văn ngượng ngạo

Theo sách Kể chuyện sứ thần Việt Nam, nghe câu trả lời của sứ thần Đại Việt, các quan võ nhà Minh cười vang khoái trá, nhưng vua Minh lại ngượng ngạo không thể cười được vì hiểu ý câu trả lời của Đào Sư Tích. Trong câu trả lời có 5 chữ thắng, 5 chữ thua, nghĩa là đánh Đại Việt thì chưa chắc đã thắng đâu, chi bằng hòa là hơn.

Câu trả lời của Đào Sư Tích không làm phật lòng vua Minh mà duy trì được mục đích kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt.

Vua Minh lại hỏi tiếp: Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta lại không thắng? Đào Sư Tích trả lời cũng bằng hai câu thơ: Trần thực, Hồ hư, hư hư thực / Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư. Nghĩa của câu thơ này là nhà Trần là thực, nhà Hồ chỉ là hư, hư là hư thực. Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư.

img

Tranh vẽ trạng nguyên Đào Sư Tích. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Vua Minh biết Đào Sư Tích là người tài giỏi, không thể khuất phục được, bèn nghĩ cách hãm hại. Ông ta sai quan đại thần tiễn Đào Sư Tích về nơi nghỉ và đưa cho vị này 4 phong thư, dặn mở theo thứ tự như thế, như thế. Mở phong thư thứ nhất thấy có dòng chữ: Thượng văn vấn, hạ tri vương. Viên đại thần nhà Minh không hiểu. Đào Sư Tích liền bảo: "Hoàng đế quá khen, cho ta là bậc thánh hiền. Ta đâu dám nhận lời khen đó".

Ông giải thích cho viên đại thần nhà Minh rõ: Văn là nghe, nghe là tri, tri là nhĩ. Vấn là hỏi, hỏi là mồm, mồm là khẩu. Bên dưới có chữ vương. Hợp ba chữ: Nhĩ, khẩu, vương thành chữ thánh. Ý vua Minh bảo là thánh nhân.

Phong thư thứ hai có câu trả lời cho phong thư thứ nhất. Câu trả lời của Đào Sư Tích hoàn toàn đúng với đáp án. Phong thư thứ ba là sắc phong Đào Sư Tích làm Lưỡng quốc trạng nguyên.

Phong thư thứ tư có hai dòng chữ: Hậu họa. Viên đại thần hiểu rằng vua Minh lệnh cho ông hại Đào Sư Tích nên rất hoang mang, buồn bã.

Đào Sư Tích đã đoán trước việc này, liền an ủi viên đại thần: "Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin cho được chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta".

Trước khi uống thuốc độc, ông dặn dò người nhà đi theo rằng hãy đưa thi hài mình về chôn ở xứ Hạ Đồng, Cổ Lễ quê ông; ở đó có một ngôi mộ, hãy trồng cây đa ở ngôi mộ đó. Đó chính là mộ bà Lê Thị Đông, người bạn thân thiết thời thơ ấu của Đào quan trạng.

Sau khi Đào Sư Tích mất, vua Minh cho đưa thi hài ông về quê. Ngày nay, dân gian trong vùng vẫn còn lưu truyền câu: "Nhị thập tam kỵ mã Ngô Minh quân hồi hương linh cữu Lưỡng quốc trạng nguyên"; nghĩa là 23 quân kỵ mã của nhà Minh đưa linh cữu Lưỡng quốc trạng nguyên về quê.

Vị tam khôi duy nhất của nhà Trần

Theo gia phả họ Đào Việt Nam, Đào Sư Tích sinh năm Mậu Tý (1348), là con trai tiến sĩ Đào Toàn Bân. Từ nhỏ, ông tỏ ra thông minh khác người, lực học vượt đồng môn, lại có tài ứng đối và năng khiếu về thơ phú.

Ông hiếu học, đều đỗ đầu các kỳ thi Hương, Hội. Đầu năm Giáp Dần (1374), ông đỗ trạng nguyên. Đào Sư Tích chính là vị tam khôi đầu tiên của triều Trần.

Sau khi đỗ đạt, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nhà Trần đã suy yếu, quyền hành rơi hết vào tay Hồ Quý Ly.

img

Đền thờ trạng nguyên Đào Sư Tích. Ảnh: Báo Khoa học và Đời sống.

Vốn tính ngay thẳng, trung thực, năm Nhâm Thân (1392), Đào Sư Tích bị Hồ Quý Ly giáng chức xuống làm quan “Trung thư thị lang”. Chán cảnh nghịch thần chuyên quyền, ông cáo quan về quê mở nghề làm thuốc và dạy học.

Dù vậy, Đào Sư Tích không an phận làm kẻ sĩ. Thời gian này, ông cư trú tại xã Lý Hải (nay thuộc thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) quy tụ nhân tài, nuôi chí lớn chấn hưng đất nước.

Năm 1394, nhà Minh có nhiều yêu sách, gây khó khăn, nhằm xâm chiếm nước ta. Họ bắt cống nạp nhiều lễ vật như: Nhà Trần cung cấp lương thực cho quân Minh đóng ở vùng Vân Nam, đòi nộp 20 tăng nhân, nhà sư, nhiều loài cây ăn quả, 50 con voi cho quân Minh đánh Chiêm Thành….

Trước tình hình đó, vua Trần rất cần người tài giỏi, đủ khả năng xoay chuyển tình thế để kéo dài thời gian hòa hoãn. Biết tài của Đào Sư Tích, dù không ưa, Hồ Quý Ly buộc phải mời ông ra giúp nước.

Bằng tài năng của mình, Đào Sư Tích đã thuyết phục được vua Minh xoá bỏ các lệ cống nạp hàng năm, kéo dài thời gian hòa hoãn cho nước Việt.

Sách Kể chuyện sứ thần Việt Nam cũng chép rằng trong chuyến đi sứ này, ông giúp vua Minh tóm tắt bộ sách đồ sộ Y tông tất độc chỉ trong vài ngày, rồi đọc để nhà Minh ghi lại.

Đào Sư Tích xuất thân trong dòng họ có truyền thống khoa bảng, cha ông là tiến sĩ Đào Toàn Bân, vừa là quan lớn vừa là nhà giáo nổi tiếng, có nhiều học trò thành đạt.

Tại khoa thi năm 1374, cả ba học trò của Đào Toàn Bân đều đỗ cao, gồm: con trai Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, hai học trò Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ tiến sĩ.

Trong buổi lễ đăng khoa, biết tin, vua Trần Nghệ Tông khen tặng ông bốn chữ “Phụ tử đồng khoa” kèm theo vế đối: Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chi nghiệp (Cha đỗ, con đỗ, cha con nối nhau làm nên sự nghiệp học vấn đỗ đạt).

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem