Cuốn tiểu thuyết "Thành Kỳ Ý" do Comicola, Đông A và NXB Văn học ấn hành, đang gây tranh cãi vì lấy bối cảnh các triều vua thời Lê Sơ và kể về chuyện tình đầy lãng mạn và sóng gió giữa nhân vật nữ chính - nàng Ngọc Huyên - và các vị vua, hoàng tử thời Lê.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-01-20/1453273251-tran-quang-duc.jpg)
Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trần Quang Đức
Riêng về trang phục các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này cũng gây xôn xao. Nhà nghiên cứu trang phục cổ Trần Quang Đức đã có những chia sẻ riêng với Dân Việt về vấn đề này.
Mấy ngày qua trên các trang báo và mạng xã hội tranh luận về cuốn “Thành Kỳ Ý” của tác giả Linh và San. Cuốn sách gây tranh cãi về tạo hình và trang phục của các thời vua Lê mang phong cách của Trung Quốc. Là nhà nghiên cứu trang phục cổ, anh có ý kiến như thế nào trước thông tin này?
- Nếu để phân tích cụ thể thì không thể nói trang phục đó sai hay đúng. Bởi chúng ta không có trang phục cụ thể của thời Lê để so sánh và hai tác giả của cuốn sách cũng đã có sự tham khảo qua các tư liệu chứ không hề vẽ theo cách tùy tiện giống như cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” từng bị thu hồi.
Với cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”, các tác giả đã làm ẩu, hoàn toàn vẽ phác họa theo game thủ, nhìn là thấy ngay và điều đó tôi không thể đồng tình.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-01-20/1453269246-thanh-ky-y-1.jpg)
Nhân vật trong "Thành Kỳ Ý": Tạo hình vua Lê Thái Tông, tên húy Lê Nguyên Long, hoàng đế thứ hai của triều Lê. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-01-20/1453269246-thanh-ky-y-8.jpg)
Nhân vật trong "Thành Kỳ Ý": Lê Khắc Xương, hoàng tử thứ hai của Hoàng đế Lê Thái Tông. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
Còn với cuốn “Thành Kỳ Ý” các tác giả tham khảo vừa qua cứ liệu nhất định như tư liệu trang phục cổ ở cuốn "Ngàn năm áo mũ", đồng thời tham khảo trang phục ở các bức tượng.
Một vấn đề khiến trang phục ở cuốn “Thành Kỳ Ý” bị phê phán bởi, lâu nay người Việt mình bị mặc định trang phục của thời nhà Nguyễn, kể cả trang phục của người dân đến trang phục của cung đình nhà Nguyễn.
Trong khi trang phục thời nhà Lê lại khác hoàn toàn nhà Nguyễn. Tôi ví dụ áo vạt chéo như trang phục của nhà sư là trang phục phổ biến thời nhà Lê thì sang nhà Nguyễn cũng vạt chéo nhưng là áo dài. Điều đó khiến mọi người mặc định phải áo dài vạt chéo mới là trang phục của người Việt. Tôi nghĩ là không nên lấy thước đo như vậy để nói rằng đó mới là trang phục Việt còn những trang phục khác là giống Trung Quốc.
Theo tôi dù bất kỳ tiểu thuyết, tác phẩm văn học hay những cuốn truyện tranh thì điều đầu tiên, khi thấy một tác phẩm như vậy chúng ta nên cổ vũ. Bởi rõ ràng từ xưa đến nay, chúng ta chưa phát triển nhiều tác phẩm mang tính cổ trang, vì vậy nên ủng hộ thay vì “ném đá” theo kiểu phong trào dù có người chưa đọc. Và như vậy vô hình chung chúng ta sẽ chỉ kéo, nhấn chìm những ý tưởng, sự phát triển các tác phẩm mang tính cổ trang mà thôi.
Nhìn rộng ở những cuốn sách trước đó như là “Đại Việt cổ phong”, “Long thần tướng”….thì đến cuốn “Thành Kỳ Ý” mới chỉ là những cuốn sách bước đầu nói về trang phục cổ trang. Nếu chúng ta ủng hộ thì từ những cuốn sách nền móng này, chúng ta sẽ dần dần phát triển, biết nhiều hơn và sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa, không chỉ là những bức tranh minh họa mà nó còn dễ cho những người làm nghệ thuật về phim cổ trang. Tôi cho đó là cách truyền tải lịch sử tới bạn đọc, đặc biệt khán giả trẻ cuốn hút và hấp dẫn hơn.
Có quan điểm cho rằng, hai tác giả cuốn “Thành Kỳ Ý” khi dựa vào trang phục của tượng là không chuẩn bởi giữa trang phục của tượng với trang phục của nhân vật trong truyện tranh là một sự khác biệt lớn?
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-01-20/1453269354-thanh-ky-y-17.jpg)
Các bức tượng và tranh được họa sĩ dựa theo để vẽ nên bộ giáp của hoàng tử Lê Nghi Dân. Ánh Comicola/Thể thao & Văn hóa
- Tôi nghĩ quan điểm này rất đúng. Nếu như hai tác giả chỉ dựa vào trang phục của bức tượng thì không thể chính xác được. Bởi, bức tượng khi được tạo hình cũng có sự khoa trương, tưởng tượng của chính tác giả nên không thể chính xác.
Từ vụ việc này thì một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào, tư liệu nào để cho những tác phẩm sau tạo trang phục, tạo hình được chuẩn theo phong cách thời trang thuần Việt?
- Đây thực sự là câu hỏi khó và rộng, bởi nếu một bức tranh khi vẽ lên, trong đó có trang phục, tạo hình của nhân vật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tôi ví dụ, một tranh vẽ nói về vua Lê được quân lính khênh kiệu, thì nhìn cụ thể, trang phục của vua Lê sẽ phải rất lộng lẫy, rất đẹp đúng với vị thế của ông vua. Nếu chỉ vẽ chi tiết như vậy, rất dễ bị đánh đồng là có nét hao hao phong cách của Trung Quốc, nếu vẽ những quân lính của vua mặc trang phục cởi trần đóng khố thì nhìn tổng thể lại là một bức trang với trang phục mang nét thuần Việt.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-01-20/1453269176-thanh-ky-y-3.jpg)
Nhân vật trong "Thành Kỳ Ý": Thần phi Nguyễn Thị Anh, cung phi được sủng ái nhất của vua Lê Thái Tông, mẹ của vua Lê Nhân Tông, sau là Hoàng Thái hậu nhiếp chính. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
Còn nói đến chuyện bị “ném đá” thì tôi lại có quan điểm hơi khác mọi người. Với tôi những tác phẩm mang tính lịch sử, trang phục cổ trang như vậy khi ra mắt mà bị “ném đá” lại mang tính tích cực hơn là tiêu cực.
Vì như vậy rõ ràng các bạn trẻ lại quan tâm tới vấn đề trang phục cổ trang nhiều hơn, và chính các bạn sẽ phải nhìn lại, nghiêm túc hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu trang phục cổ trang trước khi sáng tạo.
Chỉ khi bị “ném đá” thì mới bật ra được vấn đề bởi như mọi người biết, văn hóa tìm hiểu trang phục cổ gần một năm nay mới được để ý, quan tâm.
Xin cám ơn anh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.