Váy truyền thống kết hợp... áo sơ mi
Chị Vừ Thị Mỷ, thôn Chúng Pả A, huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: Ngày trước, trong sinh hoạt thường ngày của người Mông, từ già đến trẻ đều mặc trang phục truyền thống. Nhưng nay rất ít người mặc. Lớp thanh niên, nhất là nam giới, càng rất ít sử dụng trang phục truyền thống.
Theo chị Mỷ, trong các gia đình ở thôn Chúng Pả A, mỗi nam giới chỉ có duy nhất một bộ quần áo truyền thống để mặc trong lễ tết, hội hè. Thậm chí, có những người chỉ may cho mình đúng một chiếc áo theo kiểu truyền thống, còn quần là quần âu được may sẵn mua ở chợ. Chất liệu để may trang phục cũng thay đổi rõ rệt, không còn được may bằng vải lanh thủ công như trước kia.
Đối với phụ nữ Mông, tuy sự mai một về trang phục không diễn ra mạnh mẽ như ở nam giới, nhưng thực tế cũng đang ở mức báo động. Nhiều phụ nữ ngày nay chỉ còn mặc mỗi chiếc váy, còn áo cũng là áo phông hoặc áo sơ mi. “Váy cũng vậy, nhiều người không còn dùng váy do mình tự thêu dệt mà là những chiếc váy may sẵn (hàng Trung Quốc) được bày bán ở chợ”- chị Mỷ cho biết.
Theo bà Vàng Thị Mai- Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt lanh Hợp Tiến, thôn Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), một bộ quần áo truyền thống của phụ nữ Mông có rất nhiều chi tiết. Để hoàn thành một bộ trang phục, người làm sẽ mất khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm.
Giá thành của trang phục cũng rất cao, vào khoảng 6-7 triệu đồng/bộ. Bà Mai cho biết: “Hiện nay ở quê tôi, lớp trẻ đua nhau mặc những mốt áo váy hiện đại, tuy không đẹp bằng váy truyền thống nhưng mặc rất nhẹ, mua bán dễ dàng, lại rất rẻ (chỉ khoảng 80 - 100 nghìn đồng)”.
Ngại mặc trang phục truyền thống
Trong cuộc sống hằng ngày, việc sử dụng các trang phục truyền thống ngày càng ít đi không chỉ ở người Mông mà ở nhiều cộng đồng các DTTS khác cũng vậy. Anh Lò Xuân Tính, dân tộc Ơ Đu (một trong các dân tộc rất ít người ở xã Văn Môn, huyện Tương Dương, Nghệ An) cho hay: “Hiện nay, người Ơ Đu chúng tôi chỉ còn giữ được hai bộ quần áo truyền thống do người già để lại.
Thường thì những bộ quần áo này cũng chỉ được các thầy cúng mặc trong các dịp lễ tết đặc biệt của làng”. Và một thực tế không thể phủ nhận là có một bộ phận không nhỏ còn xuất hiện tâm lý e ngại, đôi khi mặc cảm, tự ti khi phải mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình trong giao tiếp xã hội.
Em Đặng Thị Xiềm, dân tộc Dao, sinh viên Đại học Văn hóa cho biết, em mới được mẹ làm (thủ công) cho một bộ quần áo truyền thống. Tuy nhiên, em không thể mặc nó để lao động vì rất vướng víu, hoặc đi xe trên đường hàng ngày bởi thấy mình lạc lõng. Chỉ những ngày lễ, tết hoặc các ngày hội em mới mang ra mặc.
Theo chị Mỷ, trong các gia đình ở thôn Chúng Pả A, mỗi nam giới chỉ có duy nhất một bộ quần áo truyền thống để mặc trong lễ tết, hội hè.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.