Trang trại, HTX du lịch nông nghiệp ở Hà Nội "ăn nên làm ra"

Thu Hà Thứ hai, ngày 28/12/2020 11:57 AM (GMT+7)
Phát triển trang trại, HTX chuyên ngành kết hợp du lịch giáo dục, trải nghiệm thời gian qua đã được TP.Hà Nội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là một trong những hướng đi mới của ngành nông nghiệp TP nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn.
Bình luận 0

Ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần

Bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.Hà Nội cho biết: Hiện toàn thành phố có 1.581 trang trại, 1.235 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 11 trang trại, 4 HTX hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp. Tổng diện tích trang trại, HTX có hoạt động du lịch là trên 219ha, trong đó, HTX có diện tích lớn nhất là 65ha.

Bàn giải pháp phát triển trang trại, HTX kết hợp du lịch nông nghiệp - Ảnh 1.

Cha mẹ, phụ huynh học sinh thích thú tham gia trải nghiệm cấy lúa tại một trang trại nông nghiệp tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội).Ảnh: T.L

Quy mô vốn, tài sản của các trang trại du lịch nông nghiệp khá cao, từ 5 tỷ đến 30 tỷ đồng. Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp đơn thuần, các trang trại này còn đầu tư hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, y tế, khu vui chơi giải trí, trang trại du lịch giáo dục… Bình quân doanh thu năm 2020 đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, bà Huyền cho biết các chủ trang trại, HTX nông nghiệp chuyên ngành kết hợp du lịch đã khẳng định ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Ví dụ nông trại Dê Trắng (huyện Ba Vì) có diện tích khoảng 12ha, thu hút trên 10.000 lượt học sinh, khách du lịch, doanh thu đạt hơn 2,2 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2020.

Bàn giải pháp phát triển trang trại, HTX kết hợp du lịch nông nghiệp - Ảnh 2.

Hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có 11 trang trại, 4 HTX hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp. Ảnh T.L

Tương tự, HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại cũng tích cực phát huy thế mạnh ở vựa chè lớn nhất huyện Ba Vì, tổ chức đưa các đoàn du khách vào tham quan, trải nghiệm các công đoạn từ trồng, chăm bón, thu hái, chế biến đến pha trà. Những hoạt động này giúp du khách gần gũi với thiên nhiên, có thêm kỹ năng sống và kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là dịp quảng bá thương hiệu chè Ba Trại đến người tiêu dùng theo hướng trực tiếp và gần gũi.

Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, hiện nay các chủ trang trại trồng bưởi, chuối, rau sạch cũng liên kết, mở cửa cho các đoàn du khách tham quan vườn hoa, quả hay trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau… Tham gia liên kết, các chủ trang trại bán được nhiều sản phẩm hơn, góp phần tăng thu nhập.

Bàn giải pháp phát triển trang trại, HTX kết hợp du lịch nông nghiệp - Ảnh 3.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm úp nơm, bắt cá tại các trang trại du lịch nông nghiệp Hà Nội. Ảnh T.L

Cần chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai

Theo bà Huyền, việc phát triển trang trại, HTX chuyên ngành gắn với phát triển du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn TP là hướng đi hiệu quả, từ đó đã hình thành đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương và nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, phần lớn đất đai của các trang trại hiện sử dụng theo hướng tạm giao; ký hợp đồng thuê thầu ngắn hạn nên các chủ trang trại, HTX chưa yên tâm sản xuất. Nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, trong khi đó, thủ tục vay vốn còn nhiều khó khăn...

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh – Giám đốc Trang trại đồng quê Ba Vì cho biết: Trang trại đồng quê Ba Vì xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp từ năm 2008, với các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê như: Cấy lúa, úp nơm, bắt cá; làm mật ong; tự hái và sao chè; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn… 

Để phát triển mô hình này, trang trại mong muốn được TP hỗ trợ giao đất, cho thuê đất ổn định, lâu dài; đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi để các trang trại, HTX hoạt động hiệu quả.

Đồng tình với ý kiến này, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để khách tới tham quan, trải nghiệm; điều tra, khảo sát hoạt động phát triển trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch tại các địa phương để từ đó có chính sách hỗ trợ tương xứng.

"TP cũng cần hỗ trợ xây dựng các điển hình về trang trại, HTX kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp phù hợp... để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó, tạo thêm nguồn thu từ du lịch"- Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem