Những ngày cuối tháng 6, PV DANVIET.VN hẹn được với ông chủ trang trại mắc ca tại lớn nhất tại TP. Đà Lạt - ông Trần Vinh. Từ thác Cam Ly (TP. Đà Lạt) đi qua 7km những con đường uốn lượn dưới nhiều tán rừng thông, PV đã tìm đến được trang trại của ông Vinh tại xã Tà Nung.
Trước khi đến được trang trại của ông Vinh, PV đã nghe nhiều về nhân vật, tuy nhiên khi đến và gặp người đàn ông này, chúng tôi mới thấy sự rắn rỏi và quyết tâm, niềm tin sắt đá của ông để trụ lại, giữ được trang trại mắc ca.
Ông Trần Vinh, một người đàn ông rắn rỏi, quyết tâm trong công việc trồng thành công cây mắc ca cho loại hạt được mệnh danh là "hoàng hậu" quả khô.
Ông Vinh hiện nay đang sở hữu một trang trại rộng lớn với tổng diện tích khoảng 30ha. Ông Vinh cho PV Báo Điện tử DANVIET.VN biết, trong trang trại này ông đang trồng tới 24 giống mắc ca các loại và đều nhập từ Úc và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Vinh, trong 10 năm trực tiếp trồng, khảo nghiệm và rút kinh nghiệm thì chỉ có 8 giống mắc ca được chọn lọc phù hợp với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của Đà Lạt. Vì vậy, ông đang tập trung phát triển chúng, đến nay 8 giống mắc ca ngoại nhập này đều đã cho ra trái đều đặn quanh năm.
Mời PV ly sữa mắc ca do chính trang trại sản xuất, ông Vinh nhớ lại: “Cách đây khoảng 15 năm, tôi được một người bạn ở nước ngoài về tặng một số hạt giống giống như hạt chè của Việt Nam. Loại hạt này ăn vào có mùi vị béo tựa vị của bơ pha lẫn với cùi dừa và có tên là hạt mắc ca. Sau đó, bạn tôi đề nghị hợp tác trồng phát triển loại cây cho hạt lạ này tại Việt Nam”.
Mắc ca là loài cây "chảnh, đỏng đảnh" đã khiến ông Vinh nhiều lần lao đao, gặp khó khăn trong quá trình trồng khảo nghiệm, chọn lọc, tuyển lựa giống phù hợp với đất đai, khí hậu Đà Lạt.
Cũng trong thời gian này, ông Vinh đã xin được một diện tích rừng nghèo kiệt tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để trồng loại cây này. Bẵng đi một thời gian, người bạn của ông đã rút khỏi dự án, để lại một mình ông Vinh loay hoay với rất nhiều khó khăn. Cộng với đó, khu vườn của ông thường xuyên bị kẻ xấu phá hoại, nhổ bỏ cây, lấn chiếm đất trồng cà phê nên ông Vinh phải từ bỏ giấc mộng phát triển cây mắc ca.
Đến năm 2009, ông Vinh tiếp tục được tỉnh Lâm Đồng giao cho 60ha đất rừng tại xã Tà Nung để tiếp tục thực hiện mô hình trồng loại cây có giá trị kinh tế cao là cây mắc ca. Lần này, ông Vinh với ý chí, quyết tâm sắt đá đã cầm cố nhà cửa, đất đai của gia đình để lấy vốn đầu tư trồng mắc ca.
Lần này, ước mơ của ông Vinh đã dần thành hiện thực, sau khi trồng khảo nghiệm rồi sàng lọc, tuyển lựa được 8 giống phù hợp, sản lượng hạt mắc ca trong trang trại của ông đang dần được nâng lên và chất lượng ổn định. “Ngoài việc trồng mắc ca để kinh doanh thì hiện nay tôi đang hoàn thiện mô hình du lịch canh nông cho khách du lịch tham quan. Đặc biệt du khách có thể trải nghiệm, cắm trại bên trong trang trại mắc ca, thưởng thức những sản phẩm bổ dưỡng chế biến từ mắc ca”, ông Vinh đưa tay chỉ cánh rừng mắc ca rộng lớn nói.
Sữa và hạt mắc ca được sản xuất ngay trong trang trại của ông Trần Vinh.
Mắc ca là loại cây thân gỗ, sinh trưởng tốt trong môi trường khí hậu cận nhiệt đới với nhiệt độ dao động khoảng 25 – 30 độ C. Chúng ra quả quanh năm và có thể cho thu hoạch đến 40 năm. Đặc biệt, loài cây này sẽ cho quả sau 3 – 4 năm nếu trồng bằng hạt, nếu trồng bằng cây ghép thì chỉ mất khoảng 2 năm để có thể thu quả bói.
Theo ông Vinh, hạt mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu” quả khô bởi giá trị về dinh dưỡng cũng như hương vị của chúng. Loại hạt này có trên 87% là axit béo không no, không cholesterol, có tác dụng phòng trị xơ vữa động mạch. Trong hạt mắc ca còn có chứa một loại amino acid tên arginine, chất này giúp các thành mạch máu linh hoạt.
Hạt mắc ca được mệnh danh là "hoàng hậu" quả khôi bởi giá trị về dinh dưỡng cũng như hương vị của chúng. Công nhân trong trang trại mắc ca của ông Vinh đang sơ chế những hạt mắc ca.
Hiện nay, trong trang trại của ông Vinh, mỗi cây mắc ca cho thu hoạch khoảng 20kg hạt/năm. Ngoài hạt dùng để ăn tươi, ông Vinh đã nghiên cứu và chế biến ra loại sữa, xôi mắc ca được nhiều du khách yêu thích...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.