Tranh cãi khái niệm "tiền ảo", "tài sản số" ở Việt Nam

Đình Đức Thứ tư, ngày 29/03/2023 10:50 AM (GMT+7)
Là quốc gia có tỷ lệ tham gia thị trường blockchain hàng đầu thế giới, tuy nhiên phần lớn người dùng tại Việt Nam còn loay hoay giữa các định nghĩa như "crypto", "tiền ảo", "tiền mã hoá", "tiền số" hay là "tài sản số".
Bình luận 0

Theo báo cáo từ công ty phân tích blockchain Chainalysis về Chỉ số chấp nhận tiền mã hoá toàn cầu (GCAI) 2022 của 145 quốc gia, Việt Nam được chấm điểm tuyệt đối, xếp hạng cao nhất trong các quốc gia được khảo sát.

Ngoài ra, dự báo của MarketsandMarkets đánh giá thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Việt Nam hiện đã có hơn 16,6 triệu ví tiền mã hóa được tạo, trong số này, có khoảng 31% ví sở hữu Bitcoin.

Mặc dù vậy, các khái niệm liên quan đến loại tài sản mới nổi này như "tiền ảo", "tiền mã hóa" hay "tài sản số" còn gây nhiều tranh cãi, tồn tại trong cộng đồng và ngay cả trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong sự kiện Việt Nam Tour de Web3 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Theo ông Trung, khái niệm "tiền ảo" hình thành từ lâu trong ngành Game. Tại Việt Nam khi nhắc đến Game là nhắc đến những thứ không tốt, và "tiền ảo" cũng được nhắc đến như một thứ tiêu cực.

Ông Trung lưu ý, ở Việt Nam các khái niệm liên quan đến "tiền" đều không tốt cho sự phát triển khi "tiền" được xem là phương tiện thanh toán và liên quan đến các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các loại tài sản được định nghĩa là "tiền" hay phương tiện thanh toán đều có thể bị cấm.

Tranh cãi khái niệm "tiền ảo", "tài sản số" - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA).

Tuy nhiên khi xu hướng ngày càng phát triển, các khái niệm về "tiền ảo" đã dần trở nên tiến hoá. Hiện nay nhiều người đã gọi chúng là "tiền mã hoá","tiền số" hay "tài sản số", nhưng pháp luật vẫn chưa định nghĩa rõ ràng đâu là khái niệm được sử dụng thống nhất.

Ngay từ khi ra đời, VBA đã định hướng là một tổ chức thúc đẩy ngành blockchain trong nước phát triển bền vững và đặc biệt tuân thủ pháp luật. Vì vậy các định hướng xung quanh việc định nghĩa lại "tiền ảo" đã được Hiệp hội chú trọng, nhằm thay đổi góc nhìn của các tầng lớp xã hội.

Vào năm 2019, hệ thống kế toán chuẩn mực thế giới đã hướng dẫn hạch toán tài sản số và tìm hiểu về sổ cái phân tán (DLT). Vì vậy, các nhà phát triển và lãnh đạo các doanh nghiệp blockchain hiện nay cần thúc đẩy khái niệm về DTL và "tài sản số', từ đó các hoạt động và chiến dịch truyền thông của họ tại Việt Nam sẽ có cách tiếp cận tốt hơn đối với các cơ quan quản lý.

Được biết năm nay VBA sẽ đẩy mạnh hơn về định nghĩa đối với "tài sản số" (digital asset) để dần thay thế cho các khái niệm còn mơ hồ hiện tại. Lý giải điều này, ông Trung cho biết khái niệm về "tài sản số" được các tổ chức tài chính lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (World Bank) sử dụng trong các văn bản hành chính. Họ nêu rõ "tài sản số" là "một công cụ kỹ thuật số được phát triển trên sổ cái phân tái (DTL)", khái niệm này chắc chắn sẽ được đưa vào hệ thống ngân hàng và kế toán tại Việt Nam trong tương lai gần.

Ngoài ra, từ tháng 8/2022 VBA cũng đã ra mắt "Cổng báo cáo các dự án lừa đảo và bộ tiêu chuẩn cộng đồng". Cổng báo cáo của VBA là kênh tiếp nhận thông tin về các dự án blockchain trong nước và quốc tế, thuộc Đề án "Thử nghiệm giám sát tài sản số trên không gian mạng blockchain". Đây là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án. Đề án có sự hợp tác của công ty phân tích blockchain Chainalysis có trụ sở tại Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem