Trong đề án tuyển sinh của các trường vừa công bố, hàng loạt “khối thi mới” được tổ hợp từ các môn đã xuất hiện. Tuy nhiên, các khối thi này có được áp dụng hay không thì vẫn phải chờ… Quy chế tuyển sinh 2015 mà Bộ GD-ĐT dự kiến công bố vào tháng 1.2015.
“Rắc rối” với nhiều khối thi
Theo ghi nhận của Dân Việt, điểm đáng lưu ý trong đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường ĐH-CĐ trong năm 2015 là sự xuất hiện của nhiều “khối thi mới” được tổ hợp từ nhiều môn thi với mục đích “phù hợp nhất” với các chuyên ngành đào tạo.
Cụ thể, bên cạnh 5 khối thi truyền thống là A, B, C, D và A1, nhiều trường ĐH-CĐ đã đề xuất nhiều tổ hợp môn thi mới để xét tuyển, như: Toán - Hóa - Anh; Toán - Lý - Anh; Văn - Sử - Anh; Toán - Hóa - Văn; Toán - Anh - Tin; Toán - Sinh - Văn…
Chẳng hạn, tại ĐH Nguyễn Tất Thành ở ngành Điều dưỡng và Dược học ngoài khối thi truyền thống là khối B (Toán, Hóa, Sinh), trường này cũng đề xuất xét tuyển bằng tổ hợp các môn khác như: Toán - Sinh - Anh; Toán - Hóa - Anh; Toán - Lý - Anh; tương tự nhiều ngành thuộc khối Kinh tế - Tài chính - Công nghệ Thông tin của trường này cũng đề xuất tuyển sinh bằng tổ hợp môn Toán - Lý - Anh; Toán - Hóa - Anh…
Tương tự, ĐH Lạc Hồng cũng có nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới như: Toán - Văn - Hóa (ngành Dược học); Toán - Lý - Anh, Toán - Hóa - Anh (Công nghệ Thông tin); Toán - Văn - Lý (Điện - Điện tử)…
Không chỉ các trường ngoài công lập, nhiều trường ĐH công lập cũng đề xuất xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn thi. Chẳng hạn, ĐH Cần Thơ cũng đưa ra tổ hợp cho thí sinh lựa chọn gồm 1 hoặc 2 môn bắt buộc là Toán hoặc Văn, kết hợp với 1 hoặc 2 môn do thí sinh tự chọn trong nhóm từ 2 đến 4 môn khác. Ví dụ, ngành Sư phạm Toán, ngoài môn thi bắt buộc là Toán, thí sinh còn phải chọn 2 trong 4 môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ;…
Tương tự, Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng công bố sẽ xét tuyển vào ngành Dược học của trường với nhiều nhóm môn thi mới, gồm: Toán, Lý, Hóa; Toán, Hóa, Sinh; Toán, Hóa, Tin; Lý, Hóa, Sinh. Cá biệt, Trường ĐH Tây Đô thậm chí đưa ra phương án 14 nhóm môn xét tuyển, mỗi nhóm 3 môn, trong đó có những tổ hợp mới như: Toán, Lý, Văn; Toán, Hóa, Ngoại ngữ; Toán, Hóa, Văn; Toán, Sinh, Văn…
Có nên dùng môn Văn để xét tuyển ngành Y?
Ngoài việc xuất hiện thêm nhiều khối thi "lạ", vấn đề quan tâm của xã hội những ngày gần đây là việc có nên dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành Y. Tranh cãi này bắt đầu từ việc người đứng đầu ngành Y là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại một buổi hội thảo gần đây về việc đào tạo nhân lực ngành Y tế.
Bà Tiến nói: “Tôi phải nói thật là môn Văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được...
Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn vẫn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này”.
Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một giảng viên của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, bức xúc: “Nếu lấy môn Văn làm môn thi vào trường Y là điều cực kỳ nguy hiểm vì bác sĩ là nhà khoa học chứ không phải là nhà văn.
Người bác sĩ phải có kiến thức tốt ở các bộ môn Hóa, Sinh vì ít nhiều những kiến thức này có liên quan đến sức khỏe con người. Nếu nói môn Văn cần thiết thì có thể sau khi các em này thi đậu vào trường Y rồi thì có thể cho các em học thêm môn Văn trong quá trình đào tạo để nâng cao thêm văn phạm, ngôn ngữ… Chứ nếu nói môn Văn sẽ ảnh hưởng đến Y Đức của người bác sỹ thì tôi cho rằng điều này là cự kỳ vô lý và không có cơ sở”.
Nhiều giảng viên, y bác sỹ đang công tác tại các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành Y, Dược khác như ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng cho biết: “Việc thi tuyển vào đại học Y khoa tốt nhất vẫn là thi ba môn Toán, Hóa, Sinh như hiện nay. Còn môn Văn thì có thể xem xét phụ thêm chứ không thể là môn chính. Tuy nhiên, nếu đưa môn Văn vào làm tiêu chí phụ thêm ngoài các môn Toán, Hóa, Sinh thì cũng phải cân nhắc về hệ số như thế nào cho hợp lý”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.