Phiên thảo luận trở nên căng thẳng khi có ý kiến cho rằng: Bệnh viện luôn kêu khó khăn, thu không đủ chi, nhưng nhân viên y tế vẫn “sống khoẻ”.
Bệnh viện đang tự “ăn thịt” mình
Ông Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc BV E cho rằng: “Nhu cầu có nghị định thay đổi cơ chế hoạt động tài chính, trong đó có tăng viện phí đã trở thành vấn đề quá bức xúc. Nhiều BV tỉnh, T.Ư đề nghị năm nọ sang năm kia nhưng vẫn chưa được. Trong khi chờ có một nghị định điều chỉnh mang tính pháp lý thì các BV và bác sĩ phải tự lách luật tìm nguồn thu khác, đôi khi ngoài chuyên môn, để tăng thu nhập. Nếu không có cách nào thì buộc phải nhảy ra làm tư”.
|
Tăng viện phí đồng nghĩa với việc tăng Quỹ BHYT. |
Và như vậy, tình trạng chảy máu chất xám bệnh viện công lập sang bệnh viện tư trở thành một hiện tượng phổ biến. “Nếu chúng ta không đổi mới tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện không có bác sĩ giỏi, tuyến xã lại càng không. Như vậy, người thiệt thòi đầu tiên là bệnh nhân” - ông Nghị khẳng định.
Lý giải về hiện tượng hiện mức viện phí thấp, bệnh viện nào cũng kêu nhưng lương, thưởng của cán bộ ngành y vẫn đầy đủ, nhiều bác sĩ giàu có… .
Ông Trương Quý Dương - Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, cho rằng: “Bệnh nhân đặt ra câu hỏi trên là hoàn toàn phù hợp. Dù thu nhiều hay ít, bệnh viện vẫn phải chi trả lương cho cán bộ công nhân viên. Lương đó là từ ngân sách. Còn nguồn thu, nếu thu được nhiều thì sẽ đầu tư được vào giường bệnh, điện nước, trang thiết bị, thu ít thì sẽ không có khoản đầu tư này, và như thế bao nhiêu khó khăn dồn lại. Hiện nay hầu hết các BV đang tự “ăn thịt mình”.
Ông Dương lấy dẫn chứng: Mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chi trả cho hoạt động duy tu, nâng cấp máy móc đến cả vài tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu từ viện phí không đủ nên 70% máy móc của BV đang chết hẳn không có cách nào khắc phục, vận hành. “Và như vậy cũng làm lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước”- ông Dương nói.
Trông chờ vào BHYT
Đứng trước bài toán viện phí tăng giá chất lượng khám chữa bệnh cũng phải được nâng cao, BHXH cũng đã có những động thái ủng hộ. Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Khi viện phí tăng, để đảm bảo duy trì khám chữa bệnh theo BHYT thì nhu cầu tăng Quỹ BHYT là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, với tốc độ như hiện nay, lộ trình năm 2013 đạt 75% dân số tham gia BHYT, phấn đấu đến năm 2014, 100% dân tham gia BHYT khó có thể đạt được”.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Lộ trình cụ thể để tăng viện phí, Bộ sẽ thực hiện từng bước. Trước mắt giai đoạn 2011-2013, Bộ Y tế sẽ chỉ tiến hành điều chỉnh 350 dịch vụ y tế. Trong đó ưu tiên một số loại hình dịch vụ liên quan đến phẫu thuật, giường bệnh… Từ giai đoạn 2013 trở đi, viện phí sẽ được thu theo hướng thu đúng, thu đủ, đồng thời thay đổi cơ bản phương thức thanh toán thành thanh toán trọn gói, thanh toán có định suất với người có thẻ BHYT.
“Đàm phán” với Bộ Y tế về tăng chất lượng dịch vụ, ông Thảo cho rằng hiện danh mục thuốc BHYT thanh toán rất lớn (hơn 20.000 thuốc), trong khi nước phát triển như Nhật cũng chỉ có 12.000 thuốc. Ngoài ra còn có tình trạng bác sĩ lạm dụng xét nghiệm, tuyến T.Ư không tin xét nghiệm tuyến tỉnh… Tất cả điều đó phải được Bộ Y tế xem xét và chỉnh sửa hợp lý để tránh dồn gánh nặng cho BHYT và để người dân đỡ phiền hà.
Bà Phạm Thị Luyên - Chủ tịch Công đoàn ngành y tế thì phân tích: “Thông qua việc điều chỉnh viện phí tăng thu với BHYT sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phòng bệnh và chữa bệnh. Người dân sẽ ý thức được việc phải giữ gìn sức khoẻ và việc cần thiết phải tham gia BHYT, vì nếu không tham gia, khi ốm đau chi phí cho một lần nhập viện cũng có thể làm cho họ khánh kiệt”.
Vì thế, khi nói tới tăng viện phí, cũng cần tăng sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHYT để động viên, khuyến khích 100% dân tham gia.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.