Về tinh thần chỉ đạo chuẩn bị tiến tới cuộc bầu cử lần này, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Phải tiến hành hoạt động bầu cử dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thông qua bầu cử phát huy tinh thần dân chủ.
|
Các đại biểu Quốc hội khoá XII làm việc tại hội trường. |
"Những người ứng cử phải nêu rõ được các phẩm chất, định hướng của mình, người dân phải có trách nhiệm chọn đúng người, tiêu biểu về đức, tài, kèm theo những tiêu chí là những người trung thành với Tổ quốc, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng” - ông Sĩ Dũng nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: "Một việc nhỏ nhưng nhiều người quan tâm là phân công, sắp xếp người ứng cử về các đơn vị bầu cử cũng phải có sự tham gia của đại diện Mặt trận Tổ quốc, để tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”.
“Để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật, đây là vấn đề Mặt trận rất chủ động nhưng có thể nói đây không phải là việc chủ yếu của Mặt trận, không phải một mình Mặt trận có thể làm được, mà là tất cả các cơ quan tổ chức chính trị phải tham gia” - ông nói.
Xung quanh vấn đề dân chủ trong bầu cử, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết thêm: Việc tổ chức bầu cử rất kỹ, thậm chí truyền thông nước ngoài rất ngạc nhiên vì sự dân chủ bởi phải qua 3 lần sàng lọc. Trước hết là phải qua cử tri nơi làm việc… sau đó lại qua nơi cư trú, cuối cùng mới được vào danh sách bầu.
Liên quan đến quy trình giới thiệu người ứng cử theo ông Nguyễn Văn Pha: Ngay bước 2, bước cơ quan đơn vị tổ chức giới thiệu người ứng cử đã phải gồm 3 công đoạn: Lãnh đạo cơ quan tổ chức đơn vị đó dự kiến người ứng cử; tổ chức Hội nghị cử tri nơi công tác để nhận xét, lấy tín nhiệm với người được dự kiến ứng cử; trên cơ sở ý kiến cử tri nơi công tác, lãnh đạo cơ quan, tổ chức họp mở rộng để chính thức giới thiệu người ứng cử. Nếu người được dự kiến mà không được đa số cử tri nơi công tác nhất trí đương nhiên cơ quan, tổ chức đó phải dự kiến người khác thay thế.
Về chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách, từ 26% của Quốc hội khóa XII lên 33% tại khóa XIII, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, Quốc hội ngày càng làm việc chuyên nghiệp, số đại biểu có thời gian làm công việc của Quốc hội phải nhiều hơn.
Chúng ta sẽ kết hợp giữa việc chuyên nghiệp hóa đại biểu chuyên trách với chọn đại biểu gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân, hiểu tâm tư nguyện vọng, “cảm” được bằng kinh nghiệm sống của mình những vấn đề bức xúc của nhân dân. Như vậy, là kết hợp giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu làm việc chuyên nghiệp.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.