Tránh xa hoá chất, tại sao không làm phẩm màu từ sản phẩm tự nhiên?

Vân Anh Chủ nhật, ngày 18/03/2018 18:36 PM (GMT+7)
Đời cơm tiệm, ít ai nói về “nữ công gia chánh”, nhưng ít nhất đối với cô Huỳnh Thị Kim Ngân, thạc sĩ chuyên ngành nữ công, đó là cách truyền dạy kỹ năng sống, lưu giữ giá trị tốt cho cả nếp nhà lẫn ý tưởng làm dịch vụ. Một người tha hương, nếu tinh tế trong cách chế biến món ăn cũng có thể khởi nghiệp.
Bình luận 0

Nghĩ vậy nên dù lên bờ xuống ruộng khi theo đuổi “nghiệp dĩ”, dù nghèo “rớt mồng tơi” cô vẫn tin bếp núc có thể thay đổi. Đầu tiên thay đổi từ nồi chè tới ly nước giải khát để chống lại những món ăn tẩm hoá chất, phẩm màu không rõ nguồn gốc bán trước cổng trường, đang tấn công sắp nhỏ.

Kim Ngân lập một nhóm nghiên cứu và bắt tay chế biến dành dành, hoa đậu biếc, thanh long, cỏ mực… làm chất liệu màu pha chế nước giải khát, nhồi bột nấu chè xôi nước (trôi nước)…

Màu đậu biếc đâu có gì lạ, nhưng không ai làm và dẫu đã làm được rồi thì nhà ai nấy biết. Ngược lại, Ngân vận động mọi người cùng trồng, tự làm nước uống, thay phẩm màu cho những món ăn vui miệng và tránh xa hoá chất.

Trong ba sáng lập viên, Ngân là người từng nếm đắng cay từ năm 2004 tới nay. Hỏi một đứa học trò, bảy lần hỏi đúng bảy lần em nói mỗi ngày chỉ ăn đúng một hột vịt trước khi đi học. “Ăn vậy lệch dinh dưỡng rồi sao?” – “Cô ơi, em chỉ đủ tiền mua hột vịt”, cô Ngân nói: “Tự nhiên lúc đó ứa nước mắt, khổ tới vậy sao?!”

img

Ngân và Huyền kiên trì làm ra sản phẩm màu tự nhiên.

Thực ra, lương của cô còn không đủ sống lấy đâu mà giúp, nên cô nghĩ tới việc làm tiệm bánh bèo bột lọc, bánh ít trần, có ít tiền giúp các em; nhưng sợ thực khách ăn hoài sẽ ngán, nên phải suy nghĩ ra cái gì khác hoài, làm được nên cô thuê căng tin của trường, thuê tiệm bán cà phê, bán bánh, tới khi mẹ bệnh, không có thời gian quản lý được nữa đành phải dừng.

Có dạo, Ngân chỉ dám nghĩ tới việc làm màu nhồi đất cho các bé làm thủ công, mong sao các bé con cảm nhận màu sắc và làm quen với đất. Thực sự, ngành học của Ngân, việc bố trí giảng dạy cũng không suôn sẻ chỉ vì không có sinh viên chuyên ngành, môn học chỉ được xem như một loại hình dịch vụ, bổ sung kỹ năng cho phụ nữ. Ngân được giao nhiệm vụ chánh văn phòng khoa kỹ thuật – công nghệ của trường trong mười năm, và cuối cùng đã xin từ chức vì bộ môn không có sinh viên. “Thực ra, nhìn cái gì cũng dính khởi nghiệp, nhưng lại không dính tí gì tới hỗ trợ dạy học, nên phải có cách làm khác”, cô Ngân nói.

Ngân thú thiệt trong lòng có một lò lửa khát vọng khởi nghiệp (nếu có vốn), lớn hơn ly nước, nồi chè rất nhiều. Cô muốn khởi nghiệp từ tầm nhìn sản xuất bánh Việt có sự tham gia của thảo mộc, trước hết là màu sắc từ thảo mộc tự nhiên.

img

Rau câu từ màu sắc tự nhiên.

Đậu biếc dùng trong chè, xôi, bánh tét, rau câu, làm trà, có tác dụng chống oxy hoá, an thần, làm nước uống, trà sữa… Lần theo lá cẩm, chanh dây, đậu biếc, dành dành… Ngân hiểu người đời đã sử dụng màu tự nhiên cả trong mỹ phẩm chứ không chỉ là đồ ăn thức uống, Thái Lan đã trồng quy mô lớn và hàng hoá bắt đầu tràn sang xứ Việt. Nhưng từ lâu, thói quen tiêu dùng giá rẻ, nên sản phẩm thảo mộc của cô luôn bị xem là mắc so với phẩm màu hoá chất. Nếu mọi người chọn lựa hoá chất với giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sẽ phải làm sao? Đời người đi dạy nghề, dạy kỹ năng sống giúp Ngân kiên nhẫn giải thích.

Cả nhóm khuyên nhau ẩn nhẫn, bắt đầu từ ba công đất của gia đình. Việc trồng tỉa như vết dầu loang từ 1/10 diện tích, tiếp tục mở rộng khi những tín hiệu chào hàng cho thấy mãi lực, “sống được” nhóm mới tiếp tục. Nói vậy, nhưng cả ba bắt đầu thấy triển vọng của một điểm đón khách tới nhà vườn để cùng làm xi rô, hoa sấy từ dành dành, đậu biếc…

Nhóm nghiên cứu do Ngân thành lập gồm Huyền học ngành tài chính, học marketing đại học Malaysia (đang mở lớp dạy tiếng Anh) Linh vừa xuất ngũ về lo xây dựng nông trại. Nhóm yếu đủ thứ: thiếu vốn, thiếu kiến thức kinh doanh, vùng nguyên liệu còn ít, chỉ tiếp cận khách hàng qua kênh facebook, chưa tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ, Ngân chỉ tập trung được công việc ngoài giờ, tranh thủ buổi trưa… Trợ lực duy nhất là đất làm nông trại và gia đình Huyền hỗ trợ mặt bằng để giới thiệu sản phẩm. Cả ba có cùng nguồn vốn góp duy nhất là “đam mê”.

Đưa đậu biếc vô bánh kem, cốm gạo lứt, đưa màu thanh long đỏ, dùng thơm lấy vị ngọt làm sirô… Cứ nghĩ ra rồi tìm cách nuôi nó. Những suy nghĩ đó len lỏi, sẻ chia trong từng nhóm học trò gợi mối quan tâm về nguồn tài nguyên bản địa và nghĩ nhiều hơn về những mũi tấn công của hoá chất trước cổng trường.

 “Thử vắt tí chanh vào xi rô hoa đậu biếc sẽ thấy sự kỳ diệu, từ màu xanh ngọc chuyển sang tím và có thể làm thành nhiều loại thức uống với sữa”, cô Ngân làm thử tự nhiên biến màu. Nhưng ngọt quá, không phải ai cũng thích! Không ngọt, bảo quản sẽ khó khăn hơn nhiều, cô ao ước có được người tư vấn công nghệ, có vốn để làm cho dành dành, hoa đậu biếc, lá cẩm, chanh dây có một cuộc đời hồn hậu trước cửa trường, có diện mạo mới tinh tươm, bảnh bao hơn một tí – thật hay biết chừng nào.

Một “rừng” sắc màu tự nhiên của bánh macaron

img

Sản phẩm macaron của La Dorée.

Người Pháp được thừa hưởng bánh macaron – ở Việt Nam là loại bánh men chỉ cần ngậm vào miệng là tan – từ người Ý vào thời Phục hưng thế kỷ 16. Đến nay, macaron của Pháp có phong phú màu sắc từ màu tự nhiên. YouTube có cả một đoạn video giới thiệu cách làm mười màu. Ngoài màu sắc, họ còn sáng tạo thật nhiều hương vị tự nhiên. Người từng theo học nghệ thuật bánh này bên Tây là Huy có tiệm bánh macaron La Dorée ở 216 Lý Tự Trọng, quận 1, xế ngã ba Lê Anh Xuân – Lý Tự Trọng. Một khách hàng nhận xét: “Đây là một trong những chỗ bán macaron ngon nhất Sài Gòn. Bánh có cực kỳ nhiều vị để chọn. Hầu hết các vị đều rất nhẹ nhàng, chứ không phải kiểu mùi hắc hắc do hương liệu nhân tạo. Bánh thơm, không bị ngọt gắt. Mùi cam, mùi hoa hồng, mùi cà phê, mùi dừa là những mùi mình thích nhất. Bánh bán giá khá cao, nhưng có hộp rất đẹp phù hợp để biếu tặng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem