Trao lại quyền chọn SGK: "Cần tránh tình trạng giáo viên chọn 1 đằng nhưng bị định hướng 1 nẻo"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 05/01/2024 06:41 AM (GMT+7)
Từ năm học 2024 - 2025 trở đi, các trường sẽ được tự chọn SGK chương trình phổ thông mới để giảng dạy cho phù hợp với học sinh, giáo viên. Quy định mới cũng đặt ra vấn đề trình độ và trách nhiệm của giáo viên bộ môn và nhà trường.
Bình luận 0

Bộ GDĐT trả lại quyền chọn SGK cho trường học

Mới đây, Bộ GDĐT chính thức ban hành thông tư 27 về việc từ năm học 2024 - 2025 trở đi, mỗi trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn sách riêng thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của UBND tỉnh như các năm học trước.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 chia sẻ: "Trong vài ba năm qua, rất nhiều giáo viên đã nhắn tin, viết email hoặc phàn nàn trực tiếp với tôi về việc các thầy cô không được dạy cuốn sách giáo khoa mà mình đã lựa chọn ở tổ khi bỏ phiếu. Lý do vì lên Hội đồng cao hơn đã có người quyết định thay cho họ rồi. Trước sự bất hợp lý này, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã lên tiếng...

Nhận rõ sự bất cập ấy, Bộ GDĐT đã ký ban hành Thông tư 27/2023, Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, thay cho Thông tư 25 cũ.

Trao lại quyền chọn SGK: "Cần tránh tình trạng giáo viên chọn 1 đằng nhưng bị định hướng 1 nẻo"- Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018. Ảnh: NVCC

Điểm khác biệt lớn nhất của Thông tư mới này là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục (Trường hoặc Trung tâm giáo dục). Quyền sử dụng bộ sách nào sẽ hoàn toàn nằm ở quyết định của mỗi trường (Điều 7; 8). Với mỗi trường, giáo viên dạy môn học nào sẽ quyết định lựa chọn bộ sách mà mình thấy phù hợp. Phòng và Sở GDĐT chỉ kiểm tra và xác nhận kết quả của các trường để trình lên UBND tỉnh, thành phố ra quyết định.

Với cách kiểm tra, đánh giá mới, chỉ dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình thì ngay trong một tỉnh, một huyện, việc các trường dạy cách bộ sách giáo khoa khác nhau là chuyện bình thường và không ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Ngay việc chuyển từ bộ sách này sang dạy và học bộ sách khác cũng hoàn toàn được vì tất cả các bộ sách đều phải tuân thủ chương trình quốc gia; đánh giá dựa vào chương trình chứ không dựa vào nội dung cụ thể của mỗi cuốn sách.

Ưu điểm lớn nhất của thông tư mới là tính hợp lý của các quy định chọn sách. Chỉ có người giáo viên đang trực tiếp dạy học mới biết rõ yêu cầu của Chương trình và vì thế mới hiểu đúng những ưu điểm và hạn chế của mỗi cuốn sách. Cũng chính giáo viên đứng lớp mới hiểu cuốn nào phù hợp; biết đối chiếu với chương trình để xem xét mỗi cuốn sách trên nhiều phương diện: từ ý nghĩa của bìa sách, sự hợp lý của cấu trúc sách và cấu trúc bài học, đến hệ thống văn bản đúng và hay; các câu hỏi hướng dẫn học bài có thuận tiện và đáp ứng yêu cầu dạy cách đọc, cách viết theo thể loại và kiểu văn bản hay không?...".

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: "Quy định mới cũng đặt ra vấn đề trình độ và trách nhiệm của giáo viên bộ môn và nhà trường. Vì đánh giá, lựa chọn bộ sách nào cũng cần có trình độ, không nên cảm tính, cần nắm rất vững chương trình, hiểu rõ bộ sách và đối tượng người học. Trên cơ sở đó mới lựa chọn đúng được cuốn sách phù hợp nhất. Để tạo điều kiện cho giáo viên hiểu rõ và chọn đúng bộ sách, cần có thời gian để họ đọc, xem xét, suy nghĩ… Nhìn chung sự điều chỉnh của Thông tư mới là đúng đắn và hợp lý. Hy vọng với quy định của thông tư mới, các thầy cô giáo được dạy đúng bộ sách mà mình thấy phù hợp nhất".

Trao quyền chọn SGK cho giáo viên: Ý kiến từ thầy cô

Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội bày tỏ: "Tôi thấy việc Bộ GDĐT đưa cho nhà trường, giáo viên lựa chọn SGK là hợp lý. Vấn đề học là phát triển khả năng tiếp thu, tư duy của người học nên mỗi một địa phương, một quận huyện sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Đồng thời khi chọn sách, các giáo viên sẽ có quyền chủ động khi dạy học.

Các nhà trường và giáo viên sẽ nắm bắt được đặc điểm của địa phương mình để chọn bộ sách phù hợp với người học, sẽ phát triển tối ưu khả năng tiếp thu của học sinh và giáo viên không bị áp đặt khuôn mẫu khi giảng dạy mà được sáng tạo, được mở rộng dựa trên nền tảng kiến thức không bị gò bó khuôn mẫu. Đó là thuận lợi và ưu điểm của việc trao quyền chọn sách".

Trao lại quyền chọn SGK: "Cần tránh tình trạng giáo viên chọn 1 đằng nhưng bị định hướng 1 nẻo"- Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, cô Hà cũng thẳng thắn: "Với các bộ SGK, đề nghị Bộ phải kiểm duyệt nội dung bên trong thật chặt chẽ, tránh tình trạng tranh ảnh màu mè nhưng sạn trong sách nhiều, nội dung không sâu khiến học sinh khi tiếp cận sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các cấp không nên can thiệp định hướng vào quá trình chọn sách của nhà trường và giáo viên. Tôi cũng mong bản thân nhà trường hạn chế sự can thiệp vào việc lựa chọn của giáo viên. Nên để giáo viên phát huy sự sáng tạo qua các bài dạy được lựa chọn dựa trên sự tham khảo ý kiến từ chính người học, từ đó khắc phục những hạn chế bất cập trong bộ sách để chỉnh sửa".

Cô Hồ Thị Xuân Thu, giáo viên Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội lo lắng việc chọn SGK chỉ là hình thức, đặc biệt việc giao quyền chọn SGK cho giáo viên. Bởi vì các cuộc tập huấn SGK chỉ là những cuộc "quảng cáo" cho việc bán sách của các nhóm tác giả. Nội dung của các bộ sách là tương đồng, việc lựa chọn giữa các bộ sách sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các nhóm tác giả, gây hậu quả nặng nề cho việc học - việc chuyển trường (khi cần thiết) của học sinh. Thời gian qua đã xảy ra tình trạng giáo viên xin nhận xét của nhau để nộp hay tình trạng giáo viên chọn 1 đằng nhưng bị định hướng chọn 1 nẻo…".

Đồng thời cô Thu nêu ý kiến làm sao để nội dung sách thống nhất trong cả nước từ đó kiểm tra, đánh giá công bằng học sinh. Sách cũng được bán rộng rãi để học sinh có thể mua lại khi mất chứ không như bây giờ.

Lộ trình thay SGK trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 như sau:

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

Năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6.

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Và 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem