Thực tế ở tỉnh Hòa Bình cho thấy, khi nông dân được tham gia xây dựng và thực hiện, sẽ không còn tình trạng “kế hoạch chỉ là kế hoạch” như hiện nay.
Quy trình mới!
Theo ông Nguyễn Văn Nhung - cán bộ Lao động - Thương binh - Xã hội của xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, thành viên tham gia lập kế hoạch của xã, trước đây, bản kế hoạch phát triển KTXH của xã được xây dựng dựa theo định hướng do UBND huyện gửi xuống. Lãnh đạo xã dựa vào đó kết hợp với một số báo cáo ở xã để chỉnh sửa, “thêm mắm, thêm muối” rồi trình HĐND xã thông qua.
|
Anh Bùi Văn Thường bên Nhà văn hóa thôn Bống nơi mình hiến đất xây dựng. |
Hiện nay, việc này đã làm theo quy trình ngược lại. Để có được bản kế hoạch năm 2011, công việc đã được triển khai từ cuối tháng 5.2010.
Bắt đầu từ các cuộc họp ở cấp thôn, xóm, người dân được quyền phát biểu về những vấn đề ở cơ sở cán bộ xã tổng hợp ý kiến của các thôn và các ban ngành, đoàn thể trong xã như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… sau đó kết hợp với định hướng của UBND huyện mới hình thành nên bản dự thảo kế hoạch, dán công khai ở trụ sở UBND xã để bất cứ người dân nào của xã cũng có thể đóng góp ý kiến. Sau khi tiếp thu hoặc bác bỏ các ý kiến đóng góp (có văn bản phân tích cụ thể) dự thảo bản kế hoạch này mới được trình ra HĐND xã.
“Khó trăm đường, dân liệu cũng xong”
Áp dụng quy trình này, có lẽ những người cán bộ xã như ông Nhung cũng không thể hình dung hết công dụng của nó. Tại cuộc họp lấy ý kiến của thôn Bống – thôn nghèo nhất ở Bắc Phong, người dân bày tỏ nguyện vọng lâu nay là muốn có nhà văn hóa thôn để chỗ họp hành, trẻ em vui chơi trong dịp hè, trong dịp Tết Trung thu…
Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân.
Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 được thông qua tại Đại hội Đại hội Đảng lần thứ XI
Việc tưởng không có gì là lạ, nhưng bất ngờ là sau khi đưa ra đề nghị đó, anh Bùi Văn Thường - một người dân trong xóm đã xung phong hiến 320m2 đất ở cạnh trục đường chính, nằm giữa trung tâm của thôn để làm địa điểm xây nhà văn hóa. Những người khác, người góp xà gồ, người góp gạch đá, có hộ thì góp tiền mặt, ai không có tiền thì góp bằng ngày công xây dựng... Nhờ thế, thôn Bống đã có được nhà văn hóa chỉ với chi phí 70 triệu đồng.
Không chỉ ở Bắc Phong, lãnh đạo tỉnh đã cho thí điểm quy trình lập kế hoạch này ở nhiều xã khác thuộc 2 huyện Cao Phong, Lương Sơn và đều cho kết quả tích cực. Cây cầu bắc qua con suối vào xóm Đai, xã Yên Thượng, Cao Phong cũng là một ví dụ.
Xóm Đai nằm trên sườn núi, cách trung tâm xã một con suối. Mùa mưa, nước siết quá đầu người, trẻ con phải nghỉ học, người già đau ốm không đến được trạm xá. Khi xã xây cầu, nhà nhà đã góp tiền, người người góp của, góp công.
Ông Đinh Văn Vượng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hòa Bình nhận định: Việc áp dụng nguyên tắc dân bàn, dân làm và dân kiểm tra trong xây dựng và thực hiện kế hoạch ở xã là rất cần thiết vì chính quyền xã là cấp gần dân nhất, hoạt động của xã chủ yếu trên địa bàn thôn bản. Việc này đặc biệt có tác dụng trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới hiện nay.
Ông Vượng cũng cho rằng, không chỉ ở cấp xã, khi xây dựng kế hoạch KTXH ở cấp huyện, cấp tỉnh cũng cần tăng cường lấy ý kiến nhân dân, các ban ngành, tổ chức xã hội trên địa bàn.
Ông Koshida Ryu - cố vấn của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, đơn vị hỗ trợ tỉnh Hòa Bình cải thiện quy trình lập kế hoạch KTXH ở cấp xã cho biết: Chất lượng các bản kế hoạch cấp xã hiện nay còn thấp do áp đặt chủ quan của ý chí chính trị, thiếu vắng sự tham gia của các bên. Các mục tiêu ưu tiên không được xác định rõ, không gắn với nguồn lực hiện có. Việc phân bổ các dự án trong kế hoạch còn nặng tính “xin – cho” dẫn đến đầu tư không công bằng, dàn trải, kém hiệu quả.
Hồ Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.