Trao thưởng Hội Nhà văn: Từ chối giải là bình thường một cách… bất thường

Thứ ba, ngày 29/01/2013 14:43 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sáng 29.1, Hội Nhà văn Việt Nam (VN) tổ chức lễ trao giải thưởng của Hội năm 2012 tại Hà Nội. Hai tác giả từ chối bằng khen là nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam đã không có mặt.
Bình luận 0

Ngay từ sáng sớm, lễ trao giải thưởng của Hội Nhà văn tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đã đón nhận sự tham dự đông đảo của các nhà văn cho dù thời tiết không thuận lợi, trời vừa mưa vừa rét. Tuy nhiên, trong hội trường, một không khí náo nhiệt trái ngược hẳn với bên ngoài, rất đông nhà báo cũng có mặt, bởi vì giải thưởng năm nay được đánh giá là “không yên bình” như các năm trước vì hai lá đơn từ chối bằng khen gây xôn xao dư luận trước đó.

Nhà văn Đình Kính - người phát ngôn của Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn bị các nhà báo “quây” vào phỏng vấn. Ông tiếp tục khẳng định, chuyện từ chối giải thưởng là bình thường, muốn biết những tuyên bố chính thức, mời các nhà báo nghe báo cáo tổng kết giải của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

img
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhận giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Hưng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN đọc một báo cáo tổng kết khá dài, trong đó ông nêu rõ: “Ngày 21.1.2013, được sự ủy nhiệm của Ban chấp hành, Thường vụ Hội đã nghe báo cáo kết quả của Hội đồng chung khảo và đã thông qua kết quả. Hội đồng quyết định tặng Bằng khen cho 4 tác phẩm: “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của nhà văn Y Ban, “Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng và “Hoa hoàng đàn nở muộn” của nhà thơ Khuất Bình Nguyên.

Dựa trên những đánh giá của Hội đồng chung khảo và tiêu chí xét bằng khen, Thường vụ Hội Nhà văn đã quyết định trao bằng khen cho các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng Hội Nhà văn 2012, đó là những tác phẩm đã gây được dư luận và có tiếng nói trong đời sống văn học năm 2012.

Nhưng sau khi có thông báo kết quả giải thưởng và bằng khen của Hội đồng chung khảo, mặc dù chưa được Ban chấp hành của Hội Nhà văn thông qua, nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam đã có thư trên một số trang web điện tử từ chối nhận bằng khen.

Việc nhận hay từ chối là quyền của mỗi tác giả, và là chuyện bình thường, nhưng nó bất thường khi từ sự từ chối đó đã tạo ra một cái nhìn sai lệch về công tác xét giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2012 và đã trực tiếp hoặc gián tiếp xúc phạm đến Ban chấp hành Hội Nhà văn VN, đến các nhà văn có uy tín là thành viên của Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo của Hội Nhà văn VN và đến chính các tác giả được giải.

Mặc dù vậy, trong phiên họp ngày 21.1.2013, Thường vụ Hội Nhà văn VN vẫn công nhận những đóng góp ở một phía nào đó của các tác phẩm này, đồng thời, Thường vụ Hội Nhà văn vẫn thông qua kết quả bỏ phiếu của Hội đồng chung khảo đề nghị trao bằng khen cho các tác phẩm của nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam vì chưa nhận được bất kỳ một văn bản chính thức và hợp pháp xin rút khỏi bằng khen của hai nhà văn đó.

Việc quyết định trao giải thưởng Hội Nhà văn 2012 và trao bằng khen của Ban chấp hành Hội Nhà văn VN là một quyết định chính xác và minh bạch. Các tác phẩm đoạt giải thưởng năm 2012 cùng các tác phẩm được trao bằng khen đã cho thấy một diện mạo tinh thần của đời sống văn học nước nhà năm 2012. Những tác phẩm đó cho thấy tính đa dạng của khuynh hướng sáng tác, cho thấy các giá trị của đổi mới, cho thấy lương tâm và những sứ mệnh của nhà văn đối với số phận của từng con người và vận mệnh của Tổ quốc.

Nhận xét về các tác phẩm đoạt giải thưởng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Thành phố đi vắng” đã thực sự làm đầy thêm hồ sơ sáng tác truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và đặt chị vào vị trí của những nhà văn đương đại viết truyện ngắn tiêu biểu.

Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta nhận thấy đôi mắt của nhà văn đã mở to như không chớp, nhìn xuyên thẳng vào từng số phận, từng con người, từng ngôi nhà, từng góc phố trên đời sống này. Đó là một đôi mắt không lúng túng, một đôi mắt tinh tường, sắc lạnh, đôi mắt của lòng nhân ái. “Thành phố đi vắng” cảnh báo một đời sống của vô cảm, ích kỷ, thù hận và gián tiếp dự báo một tội ác kinh hoàng hơn trong tương lai nếu lương tâm con người không được đánh thức.

“Trường ca chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo thể hiện một bút pháp điêu luyện và một mạch ngầm xiết chảy của cảm xúc trong những câu thơ quá nhuần nhuyễn tinh tế và độ vang rộng. Cấu trúc trường ca với các chương từ “Chân tre đến chân sóng” đã tạo ra một sự chuyển động dây chuyền của con sóng này đẩy con sóng khác, để cuối cùng dâng lên thành một con sóng lớn mang tên Tổ quốc. Đó là những con sóng của cảm xúc và ý chí, quá khứ và hiện tại, của khát vọng dâng hiến của một con người và của toàn dân tộc, của lịch sử và văn hóa, Đó là một bản giao hưởng ngôn từ bi tráng và kiêu hãnh của một dân tộc đã đứng lên từ mất mát với nhân cách sống của dân tộc trong suốt lịch sử.

“Giờ thứ 25” của Phạm Đương đã đặt chúng ta vào giữa những hiện thực đời thường bề bộn, thô ráp đầy thách thức của đời sống mà chúng ta đang sống. Và từ hiện thực đó, đôi khi chỉ là những hiện thực nhỏ bé mà chúng ta ít để ý, hoặc bước qua, nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp của đời sống cho dù đôi khi vẻ đẹp đó mong manh và mơ hồ. “Giờ thứ 25” là văn bản của những ngôn từ giản dị, trần trụi nhưng da diết và trắc ẩn, kết cấu chặt chẽ và sự triển khai mạch lạc của mỗi đơn vị bài thơ cùng với sự dồn nén tối đa của cảm xúc đã tạo ra nhiều sự bất ngờ và đôi khi như một sự bùng nổ.

“Màu tự do của đất” của Trần Quang Quý lại mở ra một Trần Quang Quý đa tần, đa nghĩa, Trần Quang Quý ngập tràn những hình ảnh đẹp, mới lạ, sống động, đầy tính biểu tượng. Một Trần Quang Quý của những không gian run rẩy và huyền ảo, một Trần Quang Quý của đất đai thức dậy rộng lớn và những cơn mơ bất tận về đời sống con người. Cảm xúc đắm đuối, trí tưởng tượng phong phú và đầy tính triết lý sâu sắc đã làm nên giọng nói riêng biệt và ấn tượng của nhà thơ.

“Đa cực và điểm đến” của nhà văn Văn Chinh là một cách nhìn của một người sáng tác vào đời sống văn học đương đại. Cách nhìn của một người sáng tác mà cụ thể ở đây là nhà văn Văn Chinh đôi khi đi mạo hiểm, sát ra đường biên hoặc vượt ra đường biên của lý lẽ khô cứng để chạm vào những vùng mờ tối của văn bản, chính cách này đã giúp bạn đọc có một cơ hội để chạm vào những vùng mờ tối của một con người nhà văn cụ thể hay vùng mờ tối của một văn bản.

Và ông kết luân: “Chỉ như thế thôi, chúng ta đã có đủ kiêu hãnh và tự hào để nở một nụ cười để nói một lời thân ái với nhau, để tin vào con đường chúng ta đang đi để chúc mừng các tác giả đã nhận được giải thưởng và bằng khen của Hội Nhà văn VN năm 2012”.

Ngay sau phần trao giải thưởng năm 2013 cho các tác giả (trị giá giải thưởng là 20.000.000 đồng, bằng khen là 10.000.000 đồng/tác phẩm) là phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn, ông nói: “Tôi rất tiếc vì trên mạng gần đây có ý kiến xúc phạm nhà thơ Thanh Thảo, gọi thơ anh là “thơ mậu dịch”. Chúng tôi lên tiếng phê phán ý kiến đó, đó là một tiếng nói phủ nhận tài năng, thóa mạ tài năng. Hội không hề bao cấp tài năng, không thể gọi thơ của anh Thanh Thảo như thế, chứng tỏ ý kiến đó không có cơ sở văn hóa”.

Nói về vụ việc “lùm xùm” liên quan đến hai lá thư xin từ chối giải, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Hội Nhà văn ủy nhiệm cho Hội đồng chung khảo xét giải, ngày 21.1, Thường vụ Hội mới họp để thông qua, chúng tôi đã thông qua đâu mà các tác giả ấy đã có đơn xin rút? Trong 5 ngày từ khi có đơn ấy, chúng tôi bị nghe chửi đầy tai, rất là buồn lòng.

Tuy nhiên, Thường vụ họp, chúng tôi vẫn không ứng xử theo lối thấy thái độ của người ta không ra gì với mình thì cắt giải. Hội làm việc theo nguyên tắc thấy đáng thưởng thì thưởng, thấy đáng khen thì khen, chúng tôi đại diện cho trí tuệ của Hội, đây là một tập thể được đại hội bầu ra, phải tiêu biểu cho ứng xử của Hội.

Hội Nhà văn là một tổ chức tự nguyện, có vào có ra, ai xin ra chắc Ban chấp hành cũng không níu giữ, còn là hội viên thì có nhiều kênh đóng góp cho Ban chấp hành. Tuy rất ít nhưng có một số trường hợp biến Hội nhà văn thành vật tế thần, bất cứ lúc nào cần là đem ra chửi. Chúng tôi không cho phép bất cứ ai biến Hội Nhà văn thành vật tế thần cho báo chí”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem