Cả nước có khoảng 200.000 người tự kỷ và số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng. Tuy nhiên, chính sách giáo dục dành cho người tự kỷ lại chưa có.
Bà Lê Thị Chính Lan - mẹ của chàng trai tự kỷ Nguyễn Tiến Tài (22 tuổi) ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) từng suy sụp, hụt hẫng khi phát hiện con mình tự kỷ. Vợ chồng bà đã ngược xuôi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho con bằng đủ các phương pháp “tây, ta” kết hợp nhưng không có kết quả. Muốn con trai được học tập, bà Lan tìm trường khuyết tật để gửi con nhưng cháu đã quá lớn nên không trường nào nhận.
Sợ con đến già vẫn không học được kỹ năng tối thiểu để chăm sóc, bảo vệ mình, vợ chồng bà Lan đã tự bỏ tiền mở Trường Mầm non hòa nhập Phước An để dạy con và nhiều bạn trẻ tự kỷ khác. Theo PGS-TS Phạm Minh Mục - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), trong 10 năm gần đây lượng trẻ tự kỷ không ngừng tăng cao. Trong khi đó, Luật Người khuyết tật Việt Nam mới chỉ có quy định cho 5 nhóm khuyết tật: Vận động, nghe, nói, nhìn, trí tuệ. Các nhóm khuyết tật như khiếm thính, khiếm thị có chính sách giáo dục riêng phù hợp. Còn tự kỷ bị ở nhóm “khuyết tật khác” và chưa có các quy định cụ thể, chưa có chính sách giáo dục riêng.
Trường Mầm non hòa nhập Phước An (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được chị Lê Thị Chính Lan, mẹ của chàng trai tự kỷ Nguyễn Tiến Tài (22 tuổi) mở để giúp trẻ hòa nhập. Ảnh: M.L
Bác sĩ Trần Văn Lý- Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (Hà Nội) cho biết, trung tâm đang nuôi dạy 40 trẻ tự kỷ nhưng gặp nhiều khó khăn, do không có chính sách, chương trình giáo dục riêng cho nhóm trẻ này. Ví như trường hợp trẻ tăng động, nếu triển khai giáo dục hòa nhập trong một lớp 40 cháu sẽ khiến lớp đó không thể hoạt động. Đó là chưa nói đến những trường hợp các cháu tự kỷ nặng phải cần 1 cô, 1 trò, cần có chương trình giáo dục chuyên biệt. Nếu không có chính sách giáo dục riêng cho trẻ tự kỷ thì hầu hết các cháu sẽ thất học, cơ hội có thể học được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống rất khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, nhóm tự kỷ cần phải được đề cập như những nhóm khuyết tật khác trong Luật Người khuyết tật. Ngành giáo dục cũng cần đào tạo và bổ sung giáo viên dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.