Trí tuệ nhân tạo đã và đang thay đổi nhiếp ảnh di động như thế nào?

Ngọc Phạm - Kiến Tường Thứ tư, ngày 08/05/2019 10:27 AM (GMT+7)
Những tiến bộ gần đây nhất của nhiếp ảnh di động đã đến từ AI, bên cạnh những công nghệ vượt trội của cảm biến và ống kính.
Bình luận 0

Nếu bạn đang tự hỏi camera di động tiếp theo sẽ hoạt động tốt như thế nào, thì nên chú ý đến những gì mà nhà sản xuất thường nói về trí tuệ nhân tạo (AI) - công nghệ tạo ra những tiến bộ đáng kinh ngạc của làng nhiếp ảnh trong vài năm qua, và không có lý do gì để nghĩ rằng tiến trình này sẽ chậm lại, các chuyên gia công nghệ The Verge nhận định.

img

Huawei P30 Pro không chỉ có cụm camera Leica nổi tiếng thế giới mà còn tích hợp AI thông minh chưa từng có.

Thực tế có thể thấy, bên cạnh những công nghệ mới từ cảm biến hoặc ống kính thì rõ ràng những tiến bộ ấn tượng gần đây nhất trong nhiếp ảnh còn đến từ phần mềm và chip xử lý. Tất cả điều đó tạo nên một hệ thống AI hoàn chỉnh, giúp máy ảnh hiểu rõ hơn về những gì chúng ta đang nhìn và muốn chụp lại.

Câu chuyện về khả năng chụp ảnh Mặt trăng siêu ấn tượng của Huawei P30 Pro chính là minh chứng có giá trị thiết thực về những gì mà AI mang lại. Có lẽ công nghệ chụp ảnh di động đã "một bước lên mây" đã khiến người dùng cảm thấy choáng ngợp nhưng đồng thời chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, dẫn tới những hoài nghi và "bàn lùi".

img

Hình ảnh Mặt trăng được chụp bằng ống kính tiềm vọng của Huawei P30 Pro ở chế độ zoom 50X.

Theo mô tả của Huawei, chế độ chụp Mặt trăng (Moon Mode) cũng hoạt động theo nguyên tắc giống như các chế độ AI khác, giúp nhận ra và tối ưu hóa các chi tiết trong ảnh để người dùng có thể chụp lại những bức ảnh đẹp hơn. Chế độ AI không thể thay thế hình ảnh đang được chụp bằng một hình ảnh khác, bởi điều đó là không tưởng khi đòi hỏi một dung lượng lưu trữ khổng lồ.

Chế độ AI trên Huawei P30 Pro có thể nhận diện tới hơn 1.300 vật thể và phong cảnh. Dựa trên các nguyên tắc máy học, máy ảnh nhận ra một vật thể và phong cảnh, giúp tối ưu hóa tiêu cự và phơi sáng để tăng cường các chi tiết của vật thể và phong cảnh đó như hình dạng, màu sắc và các điểm sáng/ánh sáng yếu,...

Cũng cần lưu ý là tính năng chụp bằng AI có thể được bật hoặc tắt dễ dàng trong khi chụp ảnh. Người dùng hoàn toàn có thể chụp ảnh Mặt trăng bằng Huawei P30 Pro thông qua ống kính kính tiềm vọng mà không cần bật chế độ AI.

Một câu chuyện khác liên quan tới AI là công nghệ chụp ảnh selfie AI Beauty của Oppo, như Oppo R11 Pro chẳng hạn. Chế độ làm đẹp thông minh này có thể nhận diện 8 triệu điểm đặc trưng, phù hợp với từng nhóm người dùng khác nhau trên toàn thế giới dựa trên công nghệ máy học, thậm chí có thể nhận diện đến 4 nhân vật trong cùng một khung ảnh selfie. Ngay cả trước khi chụp, người dùng có thể tự điều chỉnh thủ công các đặc điểm: Khuôn mặt, hàm, mắt, mũi, làn da… để tạo nên bức ảnh ưng ý nhất. Sau nhiều năm phát triển, rõ ràng AI Beauty đã giúp khuôn mặt của những nam thanh, nữ tú trở nên đẹp hơn khi lên hình.

img

AI từ phần mềm máy tính được đưa lên smartphone đang tạo ra nhiều đột phá.

Quay lại cách đây 4 năm, khi ứng dụng Google Photos ra mắt hồi năm 2015, Google đã mang tới một minh chứng rõ ràng về sự kết hợp mạnh mẽ giữa AI và nhiếp ảnh. Trước đó, Google đã sử dụng máy học để phân loại hình ảnh trong Google+ trong nhiều năm, để rồi việc ra mắt ứng dụng Photos với công nghệ AI đã hướng tới những tính năng mà hầu hết mọi người chưa thể nghĩ đến. Kết quả là thư viện ảnh lộn xộn của người dùng gồm hàng ngàn bức ảnh chưa được chỉnh sửa đã được sắp xếp thành cơ sở dữ liệu khoa học có thể tìm kiếm nhanh chóng.

Google đã xây dựng hệ thống AI dựa trên công nghệ đến từ DNNresearch mà họ mua vào năm 2013, bằng cách thiết lập một mạng lưới nơ-ron thần kinh sâu được đào tạo về dữ liệu. Điều này được gọi là học tập có giám sát: Quá trình này bao gồm việc đào tạo khả năng học hỏi trên hàng triệu hình ảnh để có thể tìm kiếm manh mối trực quan ở cấp độ điểm ảnh, từ đó giúp xác định danh mục cho từng ảnh.

Phải mất rất nhiều thời gian và sức mạnh xử lý để tạo ra một thuật toán như thế này. Sau khi các trung tâm dữ liệu đã hoàn thành công việc của mình, nó có thể chạy trên các thiết bị di động mà không gặp rắc rối gì. Khoảng một năm sau khi Google Photos ra mắt, Apple đã công bố một tính năng tìm kiếm ảnh được đào tạo tương tự.

img

AI có thể nhận diện cảnh trước khi đưa ra các thiết lập phù hợp.

Phần mềm quản lý ảnh thông minh là một chuyện, AI và máy học được cho là có tác động lớn hơn đến cách chụp ảnh ban đầu. Tất nhiên, ống kính tiếp tục phát triển hơn một chút và các cảm biến có thể lớn hơn một chút, như Huawei đã vượt qua hạn chế vật lý khi nhồi nhét hệ thống quang học zoom 5X vào chiếc P30 Pro siêu mỏng.

Nhờ đó, điện thoại ngày nay chụp ảnh tốt hơn trong một số trường hợp khi so với nhiều máy ảnh chuyên dụng, ít nhất là trước khi xử lý hậu kỳ. Đó là bởi vì các máy ảnh truyền thống không thể cạnh tranh với một loại phần cứng khác - chip hệ thống chứa CPU, bộ xử lý tín hiệu hình ảnh và một bộ xử lý nơ-ron thần kinh (NPU).

"Thành thật mà nói, trong số tất cả các khả năng và ứng dụng được đưa ra bởi làn sóng AI trong vài năm qua, nhiếp ảnh là lĩnh vực thực tế nhất. Máy ảnh là một tính năng thiết yếu của bất kỳ điện thoại nào, và AI là công cụ tốt nhất để cải thiện nó", chuyên gia The Verge khẳng định.

Bức tranh vẽ bởi trí tuệ nhân tạo được bán với giá 432.500 USD

Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo (AI) này đang là chủ đề gây tranh cãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem