Triển khai chương trình giảm nghèo: Hộ nghèo và cận nghèo phải "dắt tay nhau" cùng làm ăn

Lực Khương – Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 15/11/2020 15:18 PM (GMT+7)
Kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững, dù thoát ra hộ nghèo rồi nhưng thu nhập rất thấp. Trong giảm nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo phải song song dắt tay nhau cùng đi, nhưng nhiều nơi hộ nghèo giảm rất nhanh, trong khi hộ cận nghèo lại giảm chậm.
Bình luận 0

Đó là nhận định của ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

13.513 dự án giảm nghèo được triển khai

Đánh giá về kết quả giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cho biết: Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%.

Triển khai chương trình giảm nghèo: Hộ nghèo và cận nghèo phải "dắt tay nhau" cùng làm ăn - Ảnh 1.

Mô hình hỗ trợ cùng giảm nghèo bền vững ở Phú Yên. Ảnh: I.T

Trong 4 năm, cả nước đã có 1.353.805 hộ/tổng số 2.338.569 hộ nghèo đã thoát nghèo (chiếm 58%) và ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%.

Theo số liệu tổng hợp, đánh giá của các tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2019 đã có tổng số 13.513 dự án giảm nghèo được triển khai với hơn 1,5 triệu lượt hộ gia đình được hỗ trợ. 

Các dự án tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo các lĩnh vực trồng trọt (hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, dược liệu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); chăn nuôi (hỗ trợ giống, làm chuồng trại, thức ăn, vắc xin tiêm phòng); nuôi trồng thủy sản (hỗ trợ giống cải tạo ao nuôi); cơ giới hóa (hỗ trợ mua máy móc thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất),…

Sau 5 năm thực hiện các chương trình giảm nghèo vừa qua, người dân đã nhận thức được ý nghĩa sự hỗ trợ của nhà nước trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để có thu nhập ổn định, từ đó tiến tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Số lượng hộ nghèo nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 giảm đều qua các năm, mức giảm bình quân khoảng 1,4%/năm.

Năm 2020, thu nhập bình quân ước đạt 3,58 triệu đồng/người, tăng 55,8% so với năm 2015 của giai đoạn 5 năm trước. 

"Đáng chú ý là chúng ta đã thực hiện chính sách về chuẩn nghèo đa chiều và đây là xu thế là cần thiết. Chúng ta thấy rằng, hỗ trợ giảm nghèo phải gắn với hỗ trợ về thiếu hụt của các chiều. Các chiều ở các vùng miền không giống nhau, có vùng thì thiếu hụt về thu nhập, nhưng có vùng nước sạch mới là quan trọng. 

Vì thế, trong giai đoạn tới, chúng ta tiếp tục thúc đẩy thực hiện thêm nhiều chiều nữa trong giảm nghèo đa chiều như: Việc làm gắn với bảo hiểm xã hội, chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất…" – ông Thịnh nói.

Chương trình "phủ sóng" khắp cả nước

Về những vấn đề còn tồn tại, ông Thịnh cho rằng có mấy vấn đề cần lưu ý, đó là: Kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững, dù thoát ra hộ nghèo rồi nhưng thu nhập rất thấp. Trong giảm nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo phải song song dắt tay nhau cùng đi, nhưng nhiều nơi hộ nghèo giảm rất nhanh nhưng hộ cận nghèo lại giảm chậm. 

"Nói một cách nôm na, nhiều khi anh chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo" - ông Thịnh nói.

Triển khai chương trình giảm nghèo: Hộ nghèo và cận nghèo phải "dắt tay nhau" cùng làm ăn - Ảnh 3.

Người dân xã Thanh Chăn (tỉnh Điện Biên) nhận bò từ chương trình “Ngân hàng bò” để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Ảnh: BĐB

Về hỗ trợ phát triển sản xuất, chúng ta đã có đột phá vào chính sách hỗ trợ có điều kiện, có nghĩa là, các hộ nghèo muốn tham gia dự án phát triển sản xuất thì phải có đối ứng, có cam kết thực hiện, tránh tâm lý ỷ lại vào nhà nước. Việc hỗ trợ có điều kiện trên thực tế các mô hình làm rất nhiều, tuy nhiên nhân rộng ra chưa được nhiều.

"Nếu hỗ trợ có điều kiện thì khi giúp người ta thoát nghèo xong, anh có thể thu hồi vốn đầu tư để giúp những người khác nhằm lan tỏa đồng vốn. Tuy nhiên, cơ bản mình không thu hồi vốn được, dù các hộ nghèo có đối ứng thì vẫn là cho không, chỉ khác là tỷ lệ hỗ trợ giảm xuống, thay vì hỗ trợ 100% như trước đây" - ông Thịnh phân tích.

Bên cạnh đó, vì nguyên tắc chúng ta hỗ trợ 1 lần, 1 lượt cho 1 đối tượng cho nên số lượng để hỗ trợ được rất thấp. Thứ hai, các mô hình sản xuất gắn với chuỗi, thương mại đã có nhiều, nhưng bảo nhân rộng ra thì chưa được. Bởi, rất nhiều mô hình hỗ trợ xong 1 năm là kết thúc, nó không giúp người ta vượt qua được rào cản về thị trường.

Điều đáng mừng là trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã vào cuộc hỗ trợ, đồng hành cùng các mô hình sản xuất đã giúp được vấn đề vốn. Tuy nhiên, độ phủ của Ngân hàng Chính sách xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của các hộ nghèo. Bình quân cả nước, mức hỗ trợ trung bình mới được khoảng 30 triệu/hộ tham gia.

Về những định hướng, giải pháp để 5 năm tới, chúng ta thực hiện giảm nghèo bền vững, nhất là các mục tiêu về giảm nghèo đa chiều, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, chương trình giảm nghèo dứt khoát phải thực hiện vì nó phủ rộng trên cả nước.

Tuy nhiên, thứ nhất, chúng ta cần xem xét lại chuẩn nghèo, trong đó có chuẩn nghèo đa chiều. Trong chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta cần chú ý đến thu nhập càng tiến sát mức sống tối thiểu càng tốt.

Thứ hai, phải kiên định câu chuyện hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ theo chiều thiếu hụt - đó là hai điều kiện anh phải tập trung. Ví dụ, cái thiếu hụt là người ta đang cần cái đó, anh lại không cho mà cho cái khác thì làm sao người ta làm và quan tâm được.

Thứ ba, tập trung đi kèm với đó là giải pháp về tín dụng đối với các mô hình sản xuất. Người nghèo trả rất sòng phẳng. Vì thế, phải đẩy mạnh các mô hình tín dụng đi cùng với các mô hình sản xuất.

Thứ tư, đành rằng, mỗi hộ nghèo chỉ giúp 1 lần nhưng chúng ta phải hỗ trợ trên tổng thể mô hình đấy là phải liên tục, 1-3 năm, nó chỉ khác nhau đối tượng. Khi xây dựng hỗ trợ có điều kiện, chúng ta nên hỗ trợ các mô hình có thể thu hồi lại được vốn, ví dụ như ngân hàng bò, đó là cái hiệu quả nhất.

Thứ năm, thực ra Trung ương chỉ xây dựng chính sách, còn vấn đề thực hiện là ở dưới địa phương. Việc tổ chức thực hiện ở dưới địa phương phải được chấn chỉnh với những giám sát, theo dõi, đánh giá, giám sát cụ thể.

Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ làm công tác giảm nghèo cho bài bàn, để họ biết cách triển khai, hỗ trợ người nghèo xây dựng, triển khai dự án.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem