|
Việc nhiều địa phương thu hẹp diện tích đất lúa đang đe doạ đến đảm bảo an ninh lương thực. |
Trong khi Chính phủ đặt quyết tâm giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thì nhiều địa phương ở 2 vựa lúa là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng lại đang tìm mọi cách để biến những mảnh đất lúa màu mỡ thành đất công nghiệp, khu đô thị... NTNN khởi đăng loạt bài điều tra về vấn đề này.
Là một tỉnh có hệ thống giao thông khá thuận lợi, Bắc Ninh được coi là vùng "đất vàng" cho các nhà đầu tư. Chính vì thế, diện tích đất lúa trong những năm gần đây của Bắc Ninh ngày một giảm trước tốc độ của công nghiệp hóa…
Thất nghiệp trên ruộng nhà
Kể từ khi Quốc lộ 18 được nâng cấp, một huyện thuần nông như Quế Võ bỗng dưng thay đổi hẳn. Các doanh nghiệp, dự án… thi nhau đến đây xí phần giữ đất. Dự án khu đô thị mới Quế Võ do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ với tổng diện tích 56ha là một ví dụ điển hình. Dự án này, đã được san lấp mặt bằng tới 6 năm, song đến nay vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Ông Nguyễn Vân Phú - Chủ tịch UBND xã Phượng Mao cho biết: "Nếu cứ để dân chúng tôi cấy hái thì với diện tích này mỗi năm cũng thu được 600 tấn thóc. Để không 6 năm như vậy, dân không có việc làm". Hầu hết đất trồng lúa của xã Phượng Mao đã được thu hồi để triển khai xây dựng khu đô thị mới Quế Võ, cá biệt có những thôn mất 100% diện tích đất như thôn Mao Trung, Mao Dộc... Cũng từ đó, nạn thất nghiệp tăng lên từng ngày.
Ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng thôn Mao Trung cho hay: "Lo lắng nhất là hơn 300 lao động phụ nữ trong độ tuổi nhưng khó kiếm việc làm, vào doanh nghiệp thì không đáp ứng đủ điều kiện của các công ty".
Gia đình nhà anh Đỗ Văn Nin, ở thôn Mao Trung có 9 khẩu, 4 người đi làm, còn 5 người không có việc, ở nhà. Tuy nhiên, do trình độ học hành của các cháu thấp nên vào làm ở công ty chỉ được 1 thời gian lại bị đuổi.
Tương tự, kể từ năm 1999 tới nay, xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du) đã phải "nộp" tới hơn 300/390ha đất canh tác nông nghiệp vào các khu công nghiệp Tiên Sơn và khu công nghiệp Hoàn Sơn- Đại Đồng. Tại nhiều thôn, diện tích đất bị thu hồi đã lên tới 90-95%, thậm chí một số hộ không còn tấc đất "cắm dùi".
Anh Mai Định - một nông dân ở thôn Đoài nói: "Nhà tôi có 1 mẫu ruộng, thì bị thu đến 7 sào, bây giờ cả nhà 7 miệng ăn chỉ biết trông vào 3 sào còn lại, trong khi việc làm mới thì chưa tìm được". Ông Khương cho biết tiếp: "Trong số 4.000 lao động bị mất việc ở xã tôi, giờ mới chỉ có trên 500 người tìm được việc làm mới".
Khu công nghiệp làm hại đất lúa
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, tính đến cuối năm 2009, tỉnh này đã có thêm 6 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch 2.741ha, nâng tổng số lên 15 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 5.460ha.
Bộ NN&PTNT đã từng bác đề án quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bắc Ninh, vì theo quy hoạch đó, tỉnh này sử dụng quá nhiều đất lúa. Không riêng Bắc Ninh, thực trạng các tỉnh quy hoạch trước đất để làm công nghiệp thường vượt quá số diện tích quy hoạch đã được Chính phủ duyệt. Thậm chí, nếu cộng lại có tỉnh quy hoạch diện tích lúa chỉ còn vài chục phần trăm, tính dồn lại, diện tích đất lúa cả nước sẽ không còn đủ 3,8 triệu ha như quy hoạch chung.
Ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
Gần đây, phong trào làm công nghiệp đã lan tràn khắp tỉnh Bắc Ninh, đường mở tới đâu, khu công nghiệp xuất hiện tới đó. Ngay tại các huyện Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, là những vùng thuần nông nghiệp, nhưng vẫn được "sung" vào quỹ đất công nghiệp với nhiều khu công nghiệp xen kẽ đất nông nghiệp, khiến việc sản xuất nông nghiệp ở những diện tích còn lại bị ảnh hưởng nặng.
Theo ông Vũ Đức Quyết- Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh: "Là tỉnh có địa thế đẹp với nhiều đường quốc lộ chạy qua, Bắc Ninh không thể không làm công nghiệp để phát triển kinh tế, vì giá trị công nghiệp đem lại cao hơn hẳn nông nghiệp".
Theo một khảo sát chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, việc thu hồi đất tại tỉnh này đã tác động đến hơn 50.000 hộ dân, với khoảng 220.000 người bị ảnh hưởng, tức cứ 4 người thì có 1 người ít nhiều bị mất đất.
Ông Đỗ Thanh Quang- Trưởng Phòng Quản lý lao động tiền công- tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh) cho biết: "Trong số những người trong độ tuổi lao động, hiện chúng tôi mới giải quyết được việc làm cho trên 14.000 người, chủ yếu ở độ tuổi dưới 30, gay go nhất là những người ở trong độ tuổi từ 35-60 do trình độ kém, không tiếp thu được kỹ thuật mới".
Ông Vũ Đức Quyết cho biết: "Hiện Bắc Ninh đang là điểm thu hút đầu tư mạnh trong khu vực. Nhiều tập đoàn lớn đã có cam kết vào các khu công nghiệp. Do đó, dự kiến đến năm 2015, Bắc Ninh sẽ có tổng số 8.700ha đất được thu hồi để xây dựng công nghiệp, tương đương 10% diện tích tự nhiên toàn tỉnh". Điều đáng nói, phần lớn diện tích đất này là đất chuyên trồng lúa hai vụ, là những “bờ xôi, ruộng mật”, càng khiến nguy cơ mất việc của nông dân gia tăng.
Theo nhận xét của một lãnh đạo Sở NN&PTNT Bắc Ninh, thu hồi đất để làm công nghiệp là quá trình tất yếu, song không vì thế mà cứ thấy chỗ đất nào có vị trí đẹp là đem làm công nghiệp. Nên có quy hoạch cụ thể từng khu công nghiệp và khu chuyên làm nông nghiệp. Một mâu thuẫn khác là, nhà nước quy hoạch và ấn định cho từng tỉnh diện tích đất lúa, nhưng ở Bắc Ninh phần lớn diện tích đều như nhau, có thể trồng lúa, nên không lấy vào đất lúa, cũng không biết lấy vào đâu khác.
Ngọc Lê – Lê Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.