|
Triều Tiên liên tục thử hạt nhân |
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2094 lên án vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên và siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này hôm 7.3.
Mục bình luận của Thời báo Tài chính" (Anh) số ra ngày 11.3 nhận định, tuyên bố của ông Kang Pyo-yong làm gợi nhớ cam kết nổi tiếng của cựu Tổng thống George W. Bush rằng "Mỹ sẽ không cho phép các chế độ nguy hiểm nhất trên thế giới đe dọa Mỹ bằng các loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nhất."
Bài phát biểu về "trục ác quỷ" (gồm Iraq, Iran và Triều Tiên) của ông Bush năm 2002 đã bị nhiều người chỉ trích là không thận trọng, dẫn tới cuộc chiến tranh thiếu cân nhắc ở Iraq. Tuy nhiên, trong bối cảnh Triều Tiên đưa ra lời đe dọa trên, những phát biểu của ông Bush có vẻ như đã đúng.
Bất chấp các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, rất ít chuyên gia cho rằng nước này có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á - rõ ràng nằm trong tầm nguy hiểm. Triều Tiên cũng có thể chuyển vũ khí hạt nhân cho Iran hoặc các tổ chức khủng bố. Trong quá khứ, Triều Tiên từng tài trợ các vụ tấn công khủng bố ở nước ngoài, trong khi các nhà quan sát Iran được cho là đã có mặt trong vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Như vậy, cựu Tổng thống Bush rõ ràng đã xác định được một nguy cơ thật sự khi ông kết nối mối quan hệ nguy hiểm giữa các nước ngang ngạnh với vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, vấn đề là 11 năm sau vẫn chưa có ai tìm ra được cách đối phó hiệu quả. Cách tiếp cận riêng của ông Bush dựa trên can thiệp bằng quân sự đã thất bại ở Iraq, đặc biệt là sau khi Mỹ không tìm được vũ khí hủy diệt ở nước này.
Chiến lược của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama dựa trên các biện pháp trừng phạt và ngoại giao đang thất bại ở Iran. Và cách tiếp cận của Trung Quốc dựa trên đối thoại và thuyết phục cũng đang thất bại ở Triều Tiên. Dường như việc đổ lỗi cho Trung Quốc về tình hình hiện nay ở Triều Tiên là quá khắt khe bởi các nước khác, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc, cũng không thành công hơn.
Tuy nhiên, Triều Tiên vừa là nước láng giềng, vừa là đồng minh thân cận của Trung Quốc, phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế của Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc lại dựa vào kiểu ngoại giao im lặng. Thời báo Hoàn cầu - phụ san của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - từng cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên cần phải được giải quyết thông qua "đối thoại và thương lượng thay vì đối đầu." Tuy nhiên, quyết định của Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn của Liên hợp quốc hồi tuần trước cho thấy cách tiếp cận của nước này đã thất bại.
Đằng sau thất bại về ngoại giao là một vấn đề lớn hơn, đó là tầm nhìn chiến lược. Trung Quốc vẫn muốn duy trì chế độ hiện nay ở Triều Tiên hơn là khả năng hai miền Triều Tiên thống nhất và sẽ liên minh với Mỹ. Tuy nhiên, bất cứ sự đánh giá lại chiến lược nào ở Bắc Kinh cũng phải kết luận một cách chắc chắn rằng tình hình hiện nay còn nguy hiểm đối với Trung Quốc hơn so với việc hai miền Triều Tiên thống nhất.
Việc Triều Tiên tăng cường đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân có thể buộc cả Hàn Quốc và Nhật Bản phải phát triển vũ khí hạt nhân, và khi đó sẽ mở ra một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực lận cận của Trung Quốc. Nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong một vài tuần tới ngày càng lớn. Và khi đó, Triều Tiên sẽ có cơ hội sử dụng vũ khí hạt nhân, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân ở nơi chỉ cách Bắc Kinh hơn 800 km.
Nhiều quốc gia phương Tây đang kêu gọi Trung Quốc thay đổi thái độ đối với Triều Tiên bằng cách bóp nghẹt đời sống kinh tế của chế độ Bình Nhưỡng. Trung Quốc có thể làm được điều này, nhưng bất cứ hành động nào như thế cũng sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Khi phải đối mặt với nguy cơ sắp sụp đổ, chế độ Triều Tiên có thể sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân. Và chắc chắn, một chế độ từng sẵn sàng chứng kiến hàng triệu người dân của mình chết đói hoặc chết trong các trại lao động thì chẳng e ngại cảnh chết chóc hàng loạt của dân thường.
Sau sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Triều Tiên dường như nhận ra rằng sẽ là tự sát nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều duy nhất có thể xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là sự thay đổi chế độ. Tuy nhiên, thời điểm chế độ Triều Tiên bị lật đổ cũng sẽ là thời điểm mà sự nguy hiểm lên cao đến tột cùng vì khi đó nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Khi đối mặt với quá nhiều nguy hiểm và những kết cục thảm hại, Mỹ và Trung Quốc cần phải cùng nhau tính toán về những kịch bản mang tính đe dọa cao nhất. Mỹ sẽ có những kế hoạch đối phó nhằm thu giữ và bảo vệ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Có lẽ, đã đến lúc Mỹ cần phải bàn thảo những kế hoạch này với Trung Quốc và thậm chí có thể cùng thực hiện các kế hoạch đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.