Hiệp định hạt nhân Iran, vốn đạt được vào mùa hè năm ngoái, đã bị lên án mạnh mẽ bởi một số lý do chính, từ khả năng Tehran có thể tiếp tục nghiên cứu công nghệ ly tâm tân tiến cho tới các vấn đề bấu lâu nay chưa có lời giải liên quan đến quy mô quân sự của chương trình hạt nhân của Iran.
Một vấn đề đã bị lờ đi đó là liệu Iran có thể tìm được đối tác phù hợp để cùng bắt tay theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân ngầm, trong khi nước này vẫn tuân thủ các giới hạn được nêu trong hiệp định hạt nhân tháng 7.2015?
Nói khác đi, Tehran có thể vẫn tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện với nhóm nước P5+1 (bao gồm: Trung Quốc, Pháp, Đức/Liên minh châu Âu, Nga, Anh và Mỹ). Cùng lúc, Iran có thể bí mật bắt tay với một quốc gia khác để đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân, đặc biệt né trách việc thanh tra của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và việc giám sát chương trình vũ khí hạt nhân tại Iran.
Hwasong-13: Tên lửa chết người của Triều Tiên. Ảnh: Warnewsupdates
Liệu nước nào phù hợp cho việc ngầm hợp tác hơn là Triều Tiên? Đầu tiên, không còn nghi ngờ gì nữa Triều Tiên có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng hiện đã tiến hành thử 4 vụ thử vũ khí hạt nhân, có thể sớm thử vụ thứ 5 bằng việc sử dụng plutonium và uranium làm nhiên liệu thử (sau các lần thử vào các năm 2006, 2009, 2013 và 2016).
Thứ hai, một số chuyên gia phân tích tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và gắn trên tên lửa đạn đạo thông qua thiết bị thử ngầm dưới lòng đất. Thậm chí nếu Triều Tiên chưa đạt được công nghệ này, thì nước này tiếp tục theo đuổi mục tiêu trên.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng đồng thời cũng mở rộng công đoạn thử tên lửa ngoài các bãi phóng trên đất liền. Cho đến nay, Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 2 vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, các vụ thử này có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Rõ ràng là các khả năng trên của Triều Tiên có thể tạo hậu thuẫn cho chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Một khả năng khác không kém phần quan trọng đó là Bình Nhưỡng sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân với một số quốc gia khác, bằng chứng là nước này đã xây nhà máy hạt nhân cho Syria, sau đó nhà máy này bị phá hủy trong một cuộc không kích của Iran vào năm 2007. Mặc dù các bằng chứng là hiếm hoi, nhưng hoàn toàn hợp lý khi kết luận rằng Bình Nhưỡng và Tehran có thể thiết lập hợp tác an ninh hay quốc phòng nào đó. Ví như, năm 2012, Iran và Triều Tiên được truyền thông đưa tin đã ký một hiệp định khoa học và công nghệ (S&T). Và rõ ràng là hiệp định này liên quan đến vấn đề quốc phòng.
Trên thực tế, khi xem xét thực trạng 2 nền kinh tế, các cơ sở nghiên cứu và công nghệ, thì khó mà hiểu được rằng hiệp định dân sự trên mà Bình Nhưỡng có thể đáp ứng gì cho Tehran và ngược lại.
Một lý do đáng lưu ý là tại thời điểm ký kết hiệp định S&T nói trên, thì Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei có đề cập đến chuyện Tehran và Bình Nhưỡng đều có kẻ thù chung, và Mỹ là cái tên được nghĩ đến ngay lập tức.
Sự liên tưởng về sự hợp tác (Iran và Triều Tiên) có lẽ không có gì là ngạc nhiên và dường như Iran và Triều Tiên từng hợp tác ở một chừng mực nào đó về chế tạo tên lửa đạn đạo, trở lại quãng thời gian vào cuối những năm 1990. Từ lâu người ta cho rằng một số tên lửa đạn đạo do Iran chế tạo (như tên lửa Shahab) là dựa trên công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên (như tên lửa Nodong) hay là chuyển giao công nghệ (như tên lửa Scud).
Tờ New York Times từng cảnh báo rằng vụ thử hạt nhân tiến hành vào năm 2013 của Triều Tiên có thể để phục vụ cho các 2 nước. Vấn đề này được các nguồn tin chính phủ Mỹ không tiết lộ danh tính đề cập và cáo buộc rằng Bình Nhưỡng và Tehran có thể đang hợp tác hơn nữa về tên lửa đạn đạo. Đây không phải là lần đầu tiên việc đưa ra cáo buộc dành cho cả Tehran và Bình Nhưỡng một cách không chính thức. Tuy nhiên, có lẽ đây là lần đầu tiên Washington thừa nhận nếu dựa trên nguồn tin không tiết lộ danh tính.
Tất nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng từ khi hiệp định hạt nhân Iran có hiệu lực. Iran hiện có nhiều tham vọng hơn trong việc đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân của mình, đặc biệt tình hình an ninh khu vực đang thay đổi nhanh chóng, trong khi không mất đi những lợi ích mà bản hiệp định mang lại, như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Xét từ góc độ Iran, nhu cầu hợp tác với Triều Tiên lớn hơn bao giờ hết.
Không chỉ có Tehran mà Bình Nhưỡng cũng đang cần đẩy mạnh với lý do của riêng mình, như nền kinh tế tập thể nước này đang ốm yếu, các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đang được tăng cường do nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Ngoài ra, Triều Tiên có thể sử dụng sự hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phóng vệ tinh lên vũ trụ vì Iran sở hữu công nghệ (tên lửa đẩy) tân tiến hơn, điều này trở nên quan trọng đối với chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng.
Lý do cuối cùng là cả Iran và Triều Tiên đều căm ghét Mỹ và một số đồng minh của Mỹ (như Hàn Quốc và Israel). Theo đó, Iran và Triều Tiên có thể đều có lợi khi một trong số họ có khả năng thách thức Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân (ICBM). Nói một cách khác, có nhiều động cơ chính trị và quân sự để Triều Tiên và Iran thắt chặt quan hệ hợp tác về lĩnh vực hạt nhân và tên lửa hiện nay, thậm chí còn hơn cả mùa hè năm ngoái, thời điểm hiệp định hạt nhân Iran đi vào hiệu lực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.