Trình Quốc hội bội chi 3,44% GDP, cho phép quyết toán khoản chi chưa đúng quy định, "nhắc" tên Bộ GTVT

Huyền Anh Thứ hai, ngày 23/05/2022 16:12 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 tại phiên họp Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 chiều 23/5.
Bình luận 0

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình Quốc hội bội chi NSNN 2020 bằng 3,44% GDP

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2020 với tổng số thu cân đối NSNN là 2.279.735,6 tỷ đồng, trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 592.648,8 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2019 là 173.819,1 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.688,5 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng, trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là 643.406,1 tỷ đồng.

Bội chi NSNN là 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, bao gồm: Bội chi NSTW là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 3.317 tỷ đồng.

Trình Quốc hội bội chi 3,44%GDP, cho phép quyết toán khoản chi chưa đúng quy định, "nhắc" tên Bộ GTVT - Ảnh 1.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn bội chi NSNN 2020 bằng 3,44% GDP. (Ảnh: QH)

Đề cập chi tiết về quyết toán thu NSNN năm 2020, Bộ trưởng cho biết dự toán năm 2020 là 1.539.052,8 tỷ đồng; quyết toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, thu NSTW giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu NSĐP tăng 63.603 tỷ đồng.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.290.776,5 tỷ đồng; quyết toán 1.293.728,3 tỷ đồng, tăng 0,2% (2.951,9 tỷ đồng) so với dự toán. Nguyên nhân chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6%, tăng so với các năm trước.

Số nợ thuế đến ngày 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% (631 tỷ đồng) so với năm 2019.

Thu dầu thô: Dự toán là 35.200 tỷ đồng; quyết toán là 34.598,5 tỷ đồng, giảm 1,7% (601,5 tỷ đồng) so với dự toán. Giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 45,7 USD/thùng, giảm 14,3 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng thanh toán đạt 9,56 triệu tấn, tăng 540 nghìn tấn so với dự toán.

Đối với thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Dự toán là 208.000 tỷ đồng; quyết toán là 177.444 tỷ đồng , giảm 30.556 tỷ đồng so với dự toán.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, mặc dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% so với năm 2019, tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng có thuế giảm 12,9% so với dự toán (một số mặt hàng nhập khẩu có số thu lớn giảm mạnh như ô tô nguyên chiếc, sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hóa chất...), làm giảm thu ngân sách trong lĩnh vực này so với dự toán. Số hoàn thuế giá trị gia tăng theo thực tế phát sinh là 137.019,3 tỷ đồng, tăng 7.019,3 tỷ đồng so với dự toán.

Về thực hiện các chính sách thu NSNN hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19:

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội , trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, với tổng số là 16.307 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã thực hiện gia hạn thuế cho 187.367 người nộp thuế trong một số lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19 với số tiền là 97.259 tỷ đồng.

Về kết quả xử lý nợ thuế năm 2020 theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội, Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2020, cơ quan thuế các cấp đã khoanh nợ tiền thuế đối với 493.472 người nộp thuế với tổng số tiền là 23.434 tỷ đồng; thực hiện xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 62.278 người nộp thuế với tổng số tiền là 1.553 tỷ đồng.

Theo đó, đến hết ngày 31/12/2020, tổng số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 27.513 tỷ đồng, giảm 16.658 tỷ đồng (tương ứng giảm 37,7%) so với thời điểm 31/12/2019, chiếm tỷ trọng 27,8% trên tổng số tiền nợ thuế.

Về dự toán chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, dự toán năm 2020 là 1.773.766,2 tỷ đồng; quyết toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán.

Trong đó quyết toán chi NSTW là 647.851,1 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán; quyết toán chi NSĐP là 1.061.672,6 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán.

Trình Quốc hội bội chi 3,44%GDP, cho phép quyết toán khoản chi chưa đúng quy định, "nhắc" tên Bộ GTVT - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội khóa XV, kỳ họp 3 ngày 23/5. (Ảnh: QH)

Làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành dự toán NSNN không nghiêm

Trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý, như: Thu NSTW không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%), giảm dần vai trò chủ đạo của NSTW; Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.

Trình Quốc hội bội chi 3,44%GDP, cho phép quyết toán khoản chi chưa đúng quy định, "nhắc" tên Bộ GTVT - Ảnh 4.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán đối với một số khoản chi chưa đúng quy định. (Ảnh: TN)

Về chi ngân sách, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý, đến chi chuyển nguồn NSNN. Theo đó, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; giảm mạnh chuyển nguồn, kết dư NSĐP.

Tuy nhiên, số chi chuyển nguồn năm 2020 tiếp tục khá lớn, tăng cao hơn năm trước. Với số chi chuyển nguồn và số kết dư NSĐP năm 2020 quá lớn, gấp hơn 1,8 lần tổng mức vay của NSNN năm 2020.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành dự toán NSNN không nghiêm, dẫn đến chuyển nguồn lớn.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, KTNN tiếp tục rà soát thông tin, số liệu chuyển nguồn, trong đó đặc biệt lưu ý đối với số chuyển nguồn chi đầu tư, chỉ được chuyển nguồn số vốn kế hoạch đầu tư năm 2019, 2020 và các khoản chi đã được Quốc hội, UBTVQH cho phép kéo dài sang năm 2021 và các năm sau; thu hồi toàn bộ số vốn chuyển nguồn kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 trở về trước và các khoản chuyển nguồn không đúng quy định khác theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN..

Cũng tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán đối với một số khoản chi chưa đúng quy định, gồm: 19 tỷ đồng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế - đường sắt của Bộ Giao thông vận tải chỉnh lý, thẩm định, tổng hợp quyết toán chậm, không đúng thời gian quy định của Luật NSNN.

Số sử dụng sai nguồn đầu tư (từ nguồn thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết) đã bố trí tăng chi thường xuyên theo số liệu các địa phương đã phê chuẩn quyết toán; yêu cầu các địa phương trong dự toán và quyết toán NSĐP các năm sau bố trí hoàn trả đủ số thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết đã chi thường xuyên để bố trí thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư theo đúng quy định.

Chuyển nguồn 858,226 tỷ đồng số dự phòng NSTW năm 2019 sang năm 2021 theo số thực giải ngân đến ngày 31/12/2021; hủy bỏ 291,968 tỷ đồng số vốn chưa giải ngân để giảm bội chi NSTW theo số tương ứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem