Thông tin được Bộ Công an chính thức đưa ra vào chiều ngày 31.7 về việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú lập tức trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận.
Trịnh Xuân Thanh là nhân vật thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận suốt hơn một năm qua, kể từ sau khi vụ chiếc xe Lexus cá nhân nhưng gắn biển xanh do chính Trịnh Xuân Thanh với tư cách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ sử dụng bị báo chí phản ánh.
Để rồi sau đó, từng bước một, những góc khuất trên quan lộ của vị lãnh đạo này được phanh phui.
Dư luận choáng váng khi biết rằng Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - nơi ông Thanh giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 liên tiếp thua lỗ tới hơn 3.000 tỷ đồng, thế mà ông Thanh vẫn được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, rồi còn làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được giới thiệu ứng cử và và trúng cử ĐBQH khóa 14.
Dư luận xã hội nóng đến mức đầu tháng 6.2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải giao cho 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung các bài báo liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.
Một tháng sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận: “Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013)”.
Thông tin về đối tượng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an
Nhưng rồi, Trịnh Xuân Thanh đã kịp ra nước ngoài “chữa bệnh”, trước khi Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh trong vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên”.
Vì thế, cơ quan điều tra cũng đã phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng suốt thời gian Trịnh Xuân Thanh “vắng mặt”, có nhiều thông tin cho thấy Trịnh Xuân Thanh trốn ở châu Âu.
Vì thế, nhiều người đặt dấu hỏi: Trịnh Xuân Thanh "ra đi" được là không đơn giản? Nên việc đưa Trịnh Xuân Thanh “trở về” sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là điều “không tưởng”?
Nhất là khi những thông tin, hình ảnh về Trịnh Xuân Thanh từ xứ tuyết xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội thể hiện anh ta vẫn có một cuộc sống phong lưu, đàng hoàng nơi trời Tây.
Nhiều nghi ngờ vào công cuộc chống tham nhũng đã được quần chúng đặt ra.
Tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận Thanh Khê (Đà Nẵng) của đồng chí Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban Bí thư, cử tri đã thẳng thắn đề nghị “xem xét lại việc Trịnh Xuân Thanh tự nhiên biến mất, sau khi bị kết luận là gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng luôn có nhiều tai mắt nhưng sao ông Thanh vẫn bỏ trốn được?”.
Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ở Đức, mà Việt Nam và Đức chưa ký hiệp định tương trợ về tư pháp thì việc dẫn độ liệu có thể xảy ra… Rồi có thu hồi được tài sản của Nhà nước đã bị thất thoát không, nếu ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán ra nước ngoài.v.v…
Có rất nhiều khó khăn được đặt thành câu hỏi và ẩn trong đó là những nghi ngờ về hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng.
Liệu có bắt được Trịnh Xuân Thanh hay không khi "hổ đã về rừng”?
Trịnh Xuân Thanh hồi còn làm lãnh đạo PVC
Mà, nếu không đưa được Trịnh Xuân Thanh về nước thì những sai phạm trong kinh tế, những mảng tối trong công tác cán bộ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh không thể bóc gỡ.
Việc Trịnh Xuân Thanh ra đi trót lọt, tiếp sau đó là một số người vi phạm trong quản lý kinh tế cũng “theo gót”, đã để lại trong dư luận ấn tượng về tiền lệ cứ vi phạm là có thể ra đi dễ dàng. Và như thế, công cuộc chống tham nhũng sẽ bị vô hiệu hóa?
Trước sự quan tâm của nhân dân về vụ án nghiêm trọng ở PVC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”.
Rồi giữa lúc mọi người không còn (dám) tin vào việc Trịnh Xuân Thanh sẽ phải về Việt Nam để trả giá cho những vi phạm của mình, thì bất ngờ thông tin Trịnh Xuân Thanh “hồi hương” được mạng xã hội đăng tải và ngay sau đó là sự xác nhận của Bộ Công an vào chiều qua.
Người dân đặc biệt quan tâm đến vụ việc này không phải chỉ là cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt, mà chính là họ nhìn thấy chỉ số niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, mà vụ án ông Trịnh Xuân Thanh là một bài test vô cùng quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng đang được nhân dân trông đợi.
Việc buộc Trịnh Xuân Thanh đầu thú sau một năm lẩn trốn là thắng lợi bước đầu của những người “cầm chịch” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm bóc ra phần nào những mảng tối nhức nhối lâu nay liên quan tới vụ án này.
Trịnh Xuân Thanh là một nhân chứng đặc biệt quan trọng để giúp cơ quan chức năng phanh phui ra rất nhiều điều và cả rất nhiều người liên quan trong các vụ vi phạm.
Ví như biết đâu sẽ có một vụ án liên quan về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” giống vụ Dương Chí Dũng từng xảy ra!
Điều cũng rất quan trọng là, việc Trịnh Xuân Thanh trở về “quy án” sẽ như một tuyên ngôn cho nhiều kẻ khác rằng: lưới trời lồng lộng, đừng hy vọng sẽ “cao chạy xa bay” khi “đã nhúng chàm”!
Nhưng hơn hết, việc Trịnh Xuân Thanh phải trở về đã góp phần mang lại niềm tin cho nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng vốn đầy cam go và khốc liệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.