Lớp học miễn phí
Cuối tháng 7, phóng viên NTNN tìm về nhà của cô giáo Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi, hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Tiên Thọ) để nghe câu chuyện của “cô giáo tí hon” Huỳnh Hoàng Anh. Chúng tôi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến “cô giáo” 8 tuổi đứng trên bục giảng, phía dưới là ba dãy bàn với 13 em nhỏ đang ở độ tuổi vào lớp 1 mải mê nghe cô tập đọc và luyện viết chữ.
Cô Nguyễn Thị Thanh là người có thâm niên 20 năm làm nghề giáo và cũng ngần ấy thời gian mỗi khi hè về cô lại dành hết thời gian để dạy kèm cho các em học sinh và trẻ khuyết tật ở địa phương. Cô Thanh kể:
“Tôi để Hoàng Anh đứng dạy tập viết, tập đọc cho các em nhỏ này vì đó là sở thích của Hoàng Anh. Cháu rất có khiếu, học rất giỏi, 2 năm học ở trường, cháu là học sinh giỏi tiêu biểu đại diện cho trường đi dự liên hoan “Cháu ngoan Bác Hồ”. Tôi chỉ hướng dẫn Hoàng Anh đứng giảng bài hỗ trợ cho các cháu nhỏ thôi, còn toàn bộ giáo án, viết bài tập trên bảng tôi đã soạn sẵn”.
Hoàng Anh trợ giảng cho cô Thanh buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ vào thứ 2 đến thứ 6, còn buổi chiều cô Thanh dạy kèm miễn phí cho các em học sinh từ lớp 2 đến 5, trong đó có cả Hoàng Anh và kèm 4 em học sinh khuyết tật của địa phương.
Đa số học sinh ở đây là con em nhà nông nghèo khó. Nghỉ hè ở nhà cũng rảnh, nên hàng năm cứ vào hè cô Thanh xin nhà trường cho mượn vài cái bàn để về dạy kèm cho các em học sinh của trường và các cháu nhỏ trong xóm. “Mình không có tiền để giúp các em được, chỉ cho các em cái chữ, giúp các em thêm kiến thức trước khi bước vào năm học mới, đó là niềm vui lớn nhất của nhà giáo như tôi” - cô Thanh nói
“Cô giáo tí hon” mơ làm bác sĩ
Khi nói về “cô giáo tí hon” Hoàng Anh, cô Thanh trầm trồ khen ngợi: Trò Hoàng Anh không những học giỏi, đứng lớp tốt mà cháu còn hát rất hay, đặc biệt là viết chữ rất đẹp, đã từng đi thi viết chữ đẹp của huyện và tỉnh. Vừa khen, cô Thanh vừa lấy những cuốn vở của Hoàng Anh qua 2 năm học cho chúng tôi xem, nhìn những nét chữ của Hoàng Anh viết thật đáng kinh ngạc, chữ viết đẹp như in, toàn điểm 10.
Khi hỏi về ước mơ sau này, Hoàng Anh tâm sự: “Ba mẹ con cứ khuyên, cố gắng học thật giỏi và theo cô Thanh học hỏi, tập dạy để sau này lớn lên làm cô giáo. Nhưng con chỉ mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông ngoại, ba mẹ và cho mọi người thôi…”.
Nhường lại lớp học cho trợ giảng Hoàng Anh, cô Thanh dẫn chúng tôi sang nhà của Hoàng Anh cách đó khoảng 40m. Căn nhà tre mái tôn, trống huơ trống hoác, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường và cái bàn nhỏ để Hoàng Anh học bài. “Nhìn hoàn cảnh như thế, nên tôi thương cháu Hoàng Anh như con ruột của mình…” – cô Thanh tâm sự.
Chia tay lớp học của “cô trợ giảng tí hon”, tôi nghĩ rằng đây cũng có thể là “cô giáo” đặc biệt có một không hai ở xứ Quảng và em cần có sự hỗ trợ để ước mơ trong sáng bay cao, bay xa hơn.
Cô Thanh cho biết, hoàn cảnh của gia đình Hoàng Anh rất bi đát, bố đang lâm bệnh nhưng vẫn gắng gượng cùng vợ làm mấy sào ruộng. Hai vợ chồng không có nghề phụ ổn định, lại đau yếu liên miên nên gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.