Trộm cắp, giết hại chủ nhà: Vật chất “đè nát” tình người

Hòa Nguyễn Thứ ba, ngày 01/11/2016 13:36 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ thảm án với nhiều người tử vong, gây hoang mang dư luận. Có nhiều vụ án, đối tượng phạm tội chỉ vì mục đích chiếm đoạt tài sản mà gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với trung tá - tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân xung quanh tình trạng này.

img

Nghi phạm Châu Minh Nhân trong vụ án sát hại vợ và con Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gây rúng động dư luận vào ngày 24.10. Ảnh: T.L

Trung tá - tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan cho biết: Đúng là rất đáng quan ngại vì hậu quả của các vụ việc này cực kỳ nặng nề cho xã hội. Thực trạng này không chỉ để lại thiệt hại về tài sản, vật chất, thiệt hại về con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự ở chính địa phương đó, làm cho người dân hoang mang, lo lắng.

Cũng lo lắng hơn vì thực trạng này đang ngày càng gia tăng về số vụ cũng như tính chất, mức độ, hậu quả của nó. Nó không chỉ gây cái chết cho 1 người mà là nhiều người, thậm chí cả trẻ em, người già - những đối tượng xã hội cần bảo vệ. Vì lợi ích trước mắt mà các đối tượng sẵn sàng chà đạp lên tất cả những vấn đề về đạo đức, về tình người.

Bà có thể lý giải tại sao những tên trộm sẵn sàng xuống tay giết người khi bị phát hiện hành vi phạm tội?

img

"Khi biết đối tượng vào lấy trộm nhưng chưa có biện pháp để loại trừ ngay thì trước mắt phải chấp nhận thà mất tài sản còn hơn nguy hiểm đến tính mạng”.

TS. Hồng Lan

- Theo tôi, những vụ án này không bắt nguồn từ những nguyên nhân ghen ghét hay mâu thuẫn xã hội. Hầu hết những vụ án này đơn thuần bắt nguồn từ mục đích chiếm đoạt tài sản của đối tượng gây án.

Trong nghiên cứu tội phạm có hành vi đầu trộm đuôi cướp, tức là mục đích lúc đầu là trộm cắp, nhưng khi cảm thấy mục đích của mình không đạt được, hung thủ sẵn sàng thực hiện những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực và các hành vi khác nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản, lúc này chuyển hóa thành tội cướp. Nhưng mục đích chính là chiếm đoạt tài sản. Như vậy ở đây ngoài những mục đích đánh, chém nhau vì tư thù cá nhân, hận tình ghen tuông khác thì đối tượng vì mục đích vật chất, chiếm đoạt tài sản nên sẵn sàng ra tay để thủ tiêu tất cả những người có nguy cơ cản trở mục đích của mình.

Đã đến thời điểm chúng ta cảm nhận được rằng giá trị vật chất đang “lên ngôi”, vượt lên cả tình người, cả những giá trị về mặt tình cảm. Cũng vì mục đích này mà các đối tượng sẵn sàng chà đạp lên tất cả những mục đích khác mà từ trước tới nay chúng ta cho rằng nó là những mục đích lớn lao. Như thế rõ ràng diễn biến tâm lý tội phạm bây giờ rất thực dụng, bất chấp tất cả, lạnh lùng, tàn ác.

Theo bà, những đối tượng nào thường là mục tiêu của những đối tượng phạm tội này?

- Thứ nhất, những gia đình có điều kiện về mặt kinh tế là mục tiêu của các đối tượng này hướng tới. Thứ hai là những người rất sơ hở trong việc bảo vệ tài sản, tinh thần cảnh giác hạn chế. Ví dụ như trường hợp thảm án ở Quảng Ninh, mặc dù biết đối tượng nghiện, trong nhà không có đàn ông, không có người lớn nhưng vẫn cho đối tượng ở nhờ qua đêm dẫn đến hậu quả là đối tượng ra tay trong lúc không ai chống đỡ cả.

Khi gặp trộm cắp đột nhập vào nhà, theo bà, gia chủ phải làm những gì để bảo vệ mình và tài sản?

- Mọi người cần đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là sức khỏe, tính mạng con người là trên hết, phải rất bình tĩnh và tỉnh táo. Tất nhiên tâm lý con người thường là khi thấy trộm sẽ tri hô, nhưng như thế là cực kỳ nguy hiểm vì tội phạm bây giờ rất manh động.

Khi biết đối tượng vào lấy trộm nhưng chưa có biện pháp để loại trừ ngay thì trước mắt phải chấp nhận thà mất tài sản còn hơn nguy hiểm đến tính mạng. Phải đảm bảo một nguyên tắc người làm ra của chứ của không thể làm ra người. Khi xác định được như thế rồi thì mình sẽ linh hoạt xử lý. Trong bước đường cùng thà mất tài sản còn hơn bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Thế nhưng trong những trường hợp vẫn còn cơ hội để đối phó thì phải luôn luôn chủ động trong việc đối phó. Chẳng hạn có được những số điện thoại cần thiết để phòng ngừa, gọi điện thoại đến lực lượng 113, hoặc mở điện thoại ra để chế độ tự động, không cần nói chuyện, không cần điện thoại nhưng cố tình có những tiếng động hay lời nói nào đó để đầu dây bên kia có thể nghe được, nhận biết được mình đang gặp nguy hiểm để kịp thời có biện pháp ứng cứu, hỗ trợ.

Bản thân các gia đình phải xác định phòng hơn chống. Những gia đình có điều kiện về mặt kinh tế không nên phô trương, không nên để sơ hở, đặc biệt không nên để quá nhiều tài sản có giá trị trong nhà, mà nên tìm tới các biện pháp bảo quản như nhờ các hệ thống ngân hàng. Để quá nhiều tài sản có giá trị trong nhà, vô tình sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng đột nhập vào nhà và chiếm đoạt tài sản.

Vậy những biện pháp nào có thể ngăn chặn, phòng ngừa từ xa để tránh trường hợp xấu, đáng tiếc?

- Ngoài việc tự bảo vệ bản thân và tài sản thì một trong những việc cần chú ý là công tác phát động quần chúng nhân dân. Đây là một trong những việc làm rất quan trọng. Cần phát động người dân tố giác tội phạm. Trong những trường hợp người dân biết được đối tượng có ý đồ xấu cần phải có những biện pháp phòng tránh kịp thời, tố giác và hỗ trợ các cơ quan chức năng khống chế tội phạm. Có những trường hợp người dân biết nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, những việc này liên quan đến ý thức của người dân trong việc góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp tài sản ở các vùng nông thôn cũng như thành thị.

Nhiều vụ thảm án từ nguyên nhân trộm cắp tài sản

* Vụ án gây rúng động, hoang mang dư luận gần đây về sự liều lĩnh, táo tợn của các đối tượng phạm tội phải kể đến vụ vợ con ông Bùi Xuân Thường – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị sát hại tại nhà riêng vào ngày 24.10. Nghi phạm của vụ án này là Châu Minh Nhân (SN 1996, quê Vĩnh Long), là người làm tại sân bóng mini của nhà ông Thường. Trước thời gian gây án khoảng 4 ngày, nghi phạm đi lại xung quanh nhà ông Thường để lên kế hoạch trộm cắp. Chiều 24.10, Nhân đột nhập vào nhà ông Thường để trộm cắp tài sản. Tuy nhiên đang lục lọi thì Bùi Phạm Đức Toàn (17 tuổi, con trai ông Thường) về. Sợ bị phát hiện, Nhân đã cầm tuýp sắt nấp vào trong góc nhà rồi chờ Toàn đi qua liền lao ra đánh, sau đó đem Toàn ra trói tại nhà kho. Sau đó, bà Phạm Thúy Nga (48 tuổi, vợ ông Thường) trở về nhà. Nhân đã đánh lén bà Nga bằng tuýp sắt rồi dùng dây sạc điện thoại siết cổ. Nhân lấy nữ trang, tiền và điện thoại của bà Nga rồi tháo biển số của chiếc xe máy cướp được, đi thẳng lên Bình Định. Đến sáng 26.10, nghi phạm bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp công an địa phương bắt giữ.

* Khoảng 7 giờ sáng ngày 24.9, chị Vũ Thị Thanh đi làm ca về thì phát hiện tại nhà riêng ở khu Hợp Thành, phường Phương Nam (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) có mẹ đẻ, 2 người con và 1 cháu ruột bị chết với nhiều thương tích.

img

Chị Vũ Thị Thanh đau đớn tột khi cùng một lúc
bị mất đi 4 người thân yêu nhất. Ảnh: N.L.Đ

Nghi can của vụ án là Doãn Trung Dũng (SN 1971, ở khu 7, tổ 1, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, Quảng Ninh) – cháu rể của nạn nhân - bị cơ quan điều tra bắt giữ vào tối 26.9 tại quán cà phê Ngọc Anh (xã Tân Dương, huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng).

Dũng khai nhận là người gây ra vụ thảm sát vào rạng sáng ngày 24.9 tại gia đình chị Thanh khiến 4 người chết thảm. Theo đó, Dũng đã lấy một đôi hoa tai cùng chiếc nhẫn vàng 4 chỉ trên người bà Hát. Lấy xong, đối tượng bỏ về nhà tắm giặt và chơi bài cùng bạn, sau đó bỏ trốn.

Nguyễn Hòa (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem