Trốn cách ly có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nguyệt Tạ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 31/07/2020 06:30 AM (GMT+7)
Vụ việc người trốn cách ly y tế ngày càng có chiều hướng gia tăng. Số vụ và tính chất, hình thức cũng phức tạp hơn. Những người trốn cách ly sẽ bị xử lý thế nào, làm thế nào để hạn chế tình trạng này? PV Báo NTNN/Dân Việt đã phỏng vấn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP luật sư Chính Pháp) để làm rõ vấn đề này.
Bình luận 0
Trốn cách ly có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Thưa ông, hiện nay có luật nào của Việt Nam có những quy định về các bệnh truyền nhiễm không?

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đánh giá Covid-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, ngày 29/1/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2, điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Cũng theo quy định của luật này, người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải chấp hành cách ly y tế theo hướng dẫn của ngành y tế. Do đó, việc một số người cố tình trốn tránh cách ly y tế là việc làm vi phạm nghiêm trọng những quy định của Nhà nước về cách ly và phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho xã hội.

Vậy người trốn cách ly, cách ly thay thì sẽ bị xử lý thế nào thưa ông?

- Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000 - 10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi trốn tránh cách ly y tế mà cá nhân thực hiện hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, trường hợp người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly, dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đặc biệt, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5 - 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người; bị phạt tù 10 - 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.

Ông có lời khuyên nào cho người dân khi cần khai báo y tế, hoặc cách ly y tế?

- Việc trốn tránh cách ly y tế là việc làm hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng xã hội. Tôi cho rằng, với trách nhiệm của một công dân, người thuộc diện phải cách ly để theo dõi dịch bệnh cần nghiêm túc chấp hành việc cách ly để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân (được điều trị kịp thời ngay khi phát hiện bị nhiễm dịch bệnh), vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng, đồng thời vừa tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt pháp lý.

Đối với những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về cách ly y tế, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất để làm gương, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem